Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

CỤ HIU.


 Mình ở  gần một cụ đã về hưu chắc hơn mươi năm, khỏe mạnh và quắc thước. Khu phố có cụm loa công cộng của thành phố mà dân sở tại gọi xách mé là loa phường, chuyên phát oang oang, rè rè đủ thứ mỗi ngày ba bận từ lúc tờ mờ sáng những chuyện không ai buồn nghe, họa chỉ để tạo ra không khí thêm ầm ỹ, cộng hưởng cùng tiếng còi xe inh ỏi lúc tan tầm. Có hôm trục trặc gì đó bỗng im bặt thì khoảng hơn sáu giờ cụ đã tạt sang nhà mình khi xong bài thể dục đi bộ dăm vòng quanh bờ hồ. Cụ đến lúc thì mượn mấy tờ báo xem tin tức, lúc đọc vài mục trong tạp chí, phập phò điếu thuốc, xong một tuần trà độ hơn vài mươi phút sau là về.
 
         Thấy thương cụ, về hưu rỗi việc nên sinh buồn. Bấy lâu cụ lấy cái loa phường làm bạn, tuy chát chúa nhưng cũng vui với trăm thứ bà chằn trên ấy. Vắng loa phường cụ như mất đi người bạn tri kỷ nên mới tìm báo đọc, biết chút ít còn phát biểu mỗi bận họp dân, lại còn sinh hoạt này kia nữa ... Nhà có mỗi cái tivi nhưng cụ chẳng bao giờ ngồi lâu được với cụ bà vốn hay cự cãi nên đổi hẳn sang đọc báo, có hôm đắc ý cụ bảo:
-Chà chà bài báo hay quá, nhiều thứ hơn đài phường chú mày à !
          -Vâng ạ,
-Nhưng chuyện này mà đưa lên cho thiên hạ biết nhiều thì chả hay ho gì.
-Vâng ạ,
-Chậc, chậc…lại đâm chém nhau, rồi ăn mặc như thiếu vải … bậy quá !
-Vâng ạ,
-Làm cán bộ như chú mày vâng dạ suốt thành quen nhỉ ? Cụ hóm hỉnh .
 
Mình chợt nghĩ  “Dễ thường cụ không vâng vâng dạ dạ mà được về hưu êm như nhung đấy !” nhưng cũng không dám vặn lại cụ.
Tuần trước cụ khoe đã đặt hẳn mấy tờ báo mang tận nhà, thỉnh thoảng cụ ghé qua nói vài chuyện báo đã đăng, mình thưa “Hẳn vậy”. Bao giờ cũng thế, hễ cụ mà đưa ý kiến ra thì mình cứ “hẳn vậy” tắp lự, là để cho cụ vui lòng. Cụ lại ta thán:
- Bây giờ phức tạp quá thể, chúng nó làm ăn tắc trách quá, đủ thứ chuyện đã biết tỏng là không hợp thực tế chút nào nhưng vẫn cứ  làm. Thời của tao hả, kỷ luật bằng hết…” nghe thế mình lại chợt nhớ câu của cụ lớn gì đó ngoài ấy từng nói “ Cứ chặt chém thì lấy đâu ra người làm việc..” nhưng lại không dám nói cho cụ hay.
Hôm qua cụ khoe vừa được bà bạn gửi tặng cho cái mục kỉnh để xem báo, gọng titan nhẹ như giấy gắn mắt kính ngoại hẳn hoi. Được thể đang vui vẻ, mình cố tình gài để cụ kể chuyện ấy thời trai trẻ nghe cho bớt căng thẳng nên chọc “ Chắc bồ cũ của cụ tặng ? ”  Cụ lại quở “ Thời bọn tớ trong sáng lắm chú mày ạ, không như các cậu bây giờ đâu nhá…”
Lạy cụ, cái gì ở thời của cụ cũng hay, cũng tốt hết. Thế mà cái thời ấy lại bị thiên hạ vu cho là thời thổ tả, chắc  chỉ là quân ăn cháo đái bát mới dám nói thế ?  Biết vậy nhưng cũng chẳng dám tranh luận gì, sợ cụ nạt cho.
          Một bửa có lẽ có lẽ vì buồn, cụ đạp xe mua dĩa dồi chó rồi qua bảo cậu sang nhà làm tí. Thú thật món đó mới nghe nói thì mình đã phát nôn huống hồ là ngồi nhậu ! Mình vội cảm ơn cụ rồi lễ phép cáo từ ra về… Chỉ từng ấy mà cụ giận nữa tháng không sang chơi. Cụ bảo “ Bây giờ cán bộ các chú chỉ thích món lạ nhà hàng chứ coi món dân dã ra gì…” Thế đấy, rõ khổ cho các cụ.
Chuyện của cụ có nhiều, hỉ nộ ái ố đủ kiểu, nhưng tựu trưng là thú vị. Gặp các cụ cũng khoái, học được nhiều điều hay, biết được nhiều chuyện lạ ở thời các cụ làm việc… Khổ nỗi cứ nghe các cụ cứ chê bai, phản bác mãi đâm ra mất hứng. Biết là cụ đang có cảm giác cô đơn, dễ bẳn gắt, dễ mặc cảm mà, lại bảo thủ khó vượt qua những va vấp xung đột hằng ngày mà những bước đi của cuộc sống đang nhộn nhịp tất yếu sẽ tạo ra. Đôi khi cũng thấy cụ cũng bướng bỉnh ra phết nhưng rồi lại hờn giận như trẻ con, có lúc cố níu vào thành kiến cũ một cách dai dẳng, rồi vịn vào kinh nghiệm đã qua để tin chắc rằng mình nắm được hết mọi vấn đề. Không phải là nói xấu sau lưng cụ nhưng thấy cụ tự hành hạ mình bằng sự đố kỵ, tiếc rẻ, cay cú sự đời trong những năm tháng lẽ ra dành cho sự thanh thản, nhàn cư… thật sự thấy xót cho cụ thật. Có lần mình đánh bạo nói thôi cụ ơi, kệ xác chuyện xung quanh đi, Cụ cứ đánh cờ, làm thơ, nghe nhạc cho vui đời…  Cụ lại nỗi nóng “ Nghỉ hưu chưa phải là nghỉ làm việc đâu nhá, còn ăn lương nhà nước nên phải có đóng góp chứ ?  Nghe vậy mình chả dám nói chuyện gì với cụ nữa.
Dần tình cảm giữa cụ và mình cũng vơi đi ít nhiều, nhưng thật tình thì trong lòng mình vẫn kính cụ, có lẽ cái tốt bụng và chân tình gần như vô tư của lớp người trước mình dăm ba thế hệ đã cám dỗ mình từ lâu. Đành rằng chuyện tốt xấu của người đời thời nào cũng có nhưng dường như số người tốt ở các thế hệ trước đông hơn thì phải, cái này thì có lẽ đã thể hiện khá rõ trên đà xuống cấp đạo đức xã hội đang theo chiều thời gian, mình luôn có cảm giác bất an khi thấy cuộc sống càng ngày trở nên khó khăn hơn trong cách xử sự giữa những con người, ngày càng trở nên bàng quan, vô cảm hơn… Cụ cũng còn quý mình nhưng ít qua lại, phần vì cũng bận việc linh tinh mỗi sáng, cụ cũng đã có niềm vui mới là chuyển sang chơi nuôi chim cảnh, cũng bận rộn phết. Thấy vậy làm mừng.
Nhà có lồng chim nhồng hơn năm tuổi của thằng cháu họ mang biếu, hót hay nói giỏi như cậu bé lên ba. Khổ đời chưa được bao lâu lại bị trộm leo tường vào nhà cỗm mất, tiếc của thì ít nhưng lẽ giận lại nhiều nên cụ qua phường phân bua rồi sang công an báo trộm. Rõ khổ, biết đâu mà lần, mấy tuần liền chiều chiều cụ đạp xe tạt ngang mấy chổ bán chim để tìm tung tích con nhồng, một lần nghe báo dưới bến xe có đứa bán chim dạo rao bán nhồng, cụ đạp xe hộc tốc đến ngay. Thì ra đúng con chim quý của cụ bị trộm hôm nào. Khổ thằng nhỏ phân trần là nó chỉ mua lại để bán kiếm lời, mấy anh công an vì nể cụ nên bảo thằng bé về đồn xem cơ sự, trông mặt mũi khôi ngô, lại rấm rứt khóc nên cho nó về. Mình bảo cụ thôi chuộc lại phải chăng cho xong, chuyện trộm vặt chấp gì, nhưng cụ lại muốn lần ra đứa dám to gan trèo tường vào nhà cụ mới chịu. Ôi thôi, có họa mà tới tết Công gô ! Tìm ra đứa này thì lại tòi ra đứa khác, cũng thế. Tốt nhất là phải tự canh giữ cụ ạ.  Rốt cuộc bọn mình phải gộp tiền cho thằng nhỏ năm trăm để lấy lại con chim cho cụ, nhưng cái giống nhồng mới lạ, hôm về lại nhà tới nay tiếng hót nghe đùng đục, lại lè nhè như thằng say rượu, chốc chốc văng ra  những từ hết sức bậy bạ, dạy bảo thế nào nó cũng chẳng chịu bắt chước theo như ngày còn ở với ông cụ.
Hôm ông ốm nặng, trông bà cụ cũng không còn khỏe, cả khu phố đều đến thăm nom chu đáo. Ti nghiệp, giờ cụ không đi ra khỏi nhà được qua vụ tai biến bất ngờ. Gã đài phường nay hình như đã nhận ra mình đã hết vai trò nên đã im bặt cả nhiều tháng rồi, không còn để cụ đợi chờ nghe ngóng. Cụ nhờ mình qua kê cái tivi sát chổ cụ nằm để tiện xem tin tức, giải trí hằng ngày. Gớm, cho đến lúc nằm một chổ cụ mới chịu cùng xem phim, coi tivi chung với bà cụ. Cụ bà cắt hẳn báo đặt hằng ngày rồi khuân đống báo cũ ra vườn đốt sạch. Cụ bảo để đấy đã chật chổ, không khéo lại có ngày cháy nhà.
Vừa rồi cụ bảo mình sang nhờ đem con nhồng về chăm hộ, dạy nói giúp cụ. Thôi thì cũng phải làm cho cụ vui trong lúc cụ đang bệnh chứ tính mình vốn ghét nuôi chim đến thậm, nhất là cái giống nhồng chỉ được cái hóng hớt rồi nói nhại lung tung, nhỡ bọn trẻ ranh trong nhà bắt chước nói theo thì họa.


Tuần trước hai cụ được người bạn cũ tìm cách đưa vào Viện dưỡng lão gì đó tận trong Nam để được chăm sóc đầy đủ, chu đáo hơn. Cụ nhất quyết không chịu đi. Cụ bảo ở đây có mấy đứa trẻ qua lại mới biết được chuyện quê nhà chứ vào trong ấy chắc chóng chết vì buồn, vả có chết thì cũng được nằm trên quê mình cho ấm lưng.
Ngẩm lại, thấy cụ nói cũng có lý.
 tháng 9. 2013

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

CU ĐỦM


Đích thị là hắn.
Gần mười năm rồi chả thấy mặt mũi, chỉ loáng thoáng mấy bài thơ của hắn trên mạng, sủi bọt rồi mất tăm.  Thanh kìu phây bút - hắn đã tìm thấy mình trên ấy, vô tình hay hữu ý chắc cũng làm hắn vui. Mình nhớ cái gia đình bé con của hắn, bây giờ thì nhìn thấy hết rồi. Mình thầm mừng sự bình yên trong cái tổ ấm nhiều sắc màu của đứa vừa là em vừa là bạn mình.
Mình gặp hắn trên đường tha phương cầu thực, cũng như mình những năm tháng ở đất cao nguyên mênh mông mến khách hãy còn thừa thầy thiếu thợ. Những người trẻ tuổi và  từng chiều chếnh choáng với chất giọng hợp âm của đủ vùng miền gộp lại, sôi nỗi đầy cuồng nhiệt, khó quên. Còn nhớ như in cái mâm cơm Tài chính, rồi chuyển xuống nhà cụ hưu đường Bà Triệu từ trưa này qua chiều nọ của mấy thằng chưa vợ như hắn, mấy gã xa vợ như mình, hốc hác gầy rộc đầy  kiêu hãnh, vội vàng cho ấm bụng rồi lang thang uống vặt, những thâu đêm chè chén để xóa bớt cái cô đơn đang vây bủa từng ngày đánh vật áo cơm khốn khổ một thời.  Cộm cán vẫn là mấy gã đồng hương Đại Lộc ngông nghênh đầy lý sự, nhiều tài lắm tật, chất cãi cọ thấm tận tin gan lại hay bù khú, đình đám ồn ào, chuyên hóng hớt khối chuyện nhà trắng nhà xanh rồi hùng hồn như thánh sống, nhưng lại yêu thương và có nhau, như anh em ruột thịt không bằng.
Mình vẫn nhớ tiếng đàn chơi vơi và cặp kính dày như đít ly của hắn, nhớ cái hờn giận như con gái trộn với tấm chân tình nồng ấm và cái dáng thư sinh chưa vướng chút bụi đời của hắn ngày ấy. Hễ mà cứ vài ngày không thấy hắn thì mình cũng tìm cách gặp hắn cho bằng được, chả để làm gì, là để gây chuyện cho hắn cãi. “Quảng Nam hay cãi, Đại Lộc cãi hăng…” Hắn đẩy cặp kính đang sệ xuống sống mũi lên như một giáo sư bắt đầu lên lớp, chống nạnh cự nự “biết mới cãi, không biết lấy đ… chi cãi” rồi cùng cười sằng sặc. Thương hắn cô đơn thì ít, sợ hắn ế vợ thì nhiều, anh em bèn mối cho hắn một nàng vừa phải… nhưng rồi mới tóa hỏa ra là hắn cũng có người yêu chứ chẳng nỗi nào, lại dễ thương nữa chứ, là O vợ của hắn bây giờ. Có lẽ cũng vì yêu nàng thật sự, hắn từng đánh liều gặp sếp, bịa ra chuyện về thăm cha già mẹ yếu dưới quê rồi tếch ra tận gần năm trăm cây số để gặp nàng hằng tháng. Cái thằng vậy mà khéo kiên trì, chung thủy ra phết.
Hắn vẫn thế, hãy còn miên man trong túi thơ vung vít và thảng thốt giữa đời, càng lớn tuổi làm thơ càng tợn. Lúc chưa vợ hắn chơi đàn, thổi sáo, nay nghe đâu cũng vậy.  Bạn bè hắn kháo rằng hồi xưa cô nàng cùng học trường chuyên nghiệp với hắn, chỉ vì mê tiếng đàn đó mà bỏ đất Quảng Trị để sang ngang với hắn, rồi lo sợ có ngày tiếng đàn ấy sẽ đốn ngã ai đó nên có bận cấm tiệt hắn không được ôm đàn ra khỏi nhà. Tội nghiệp và oan khiên, hắn hiền như phật đất, có thèm yêu ai ngoài vợ hắn đâu ! Tuy mang tiếng là thằng sợ vợ nhưng hắn cũng còn bản lĩnh để thỉnh thoảng lại nổ đì đùng “ Ta thà bỏ vợ chứ quyết không bỏ nhạc bỏ thơ…”  Lạy trời, cũng may là không thấy rõ bóng dáng em nào trong những bài thơ hừng hực lữa tình của hắn…
Ngày sinh được thằng cu con, hắn như trút nỗi lo lắng ám ảnh kinh niên khi nhìn quanh bạn bè người thân của hắn đều một bề con gái. Mang vẻ mặt lo lắng hoang mang đến cực độ, có lần hắn mon men hỏi mình bí quyết sinh con trai, mình giở giọng tướng số tử vi kinh điển, trả lời như khủng bố hắn “ tuổi tác thần sắc chú mày chỉ sinh được con gái …” nhưng lòng thì cũng cầu mong hắn có được một mụn giống hắn để đàn ca sáo thổi cho vui đời. Vừa rồi hắn khoe qua Chat  “Thằng nhỏ mê máy tính như bác hồi xưa đấy…” Mình rì lây “ Mới được một phần ba thôi nhé, còn phải thêm nhậu nhẹt, gái gú tí đỉnh mới giống bác được đấy, chứ như bố thì coi như bỏ của…” hắn tếu táo “ đã là Cu Đủm mà gái gú gì bác…” O vợ hắn hú hồn, cu con càng lớn càng mang nét điển trai thiên thần của bố nhưng không giống cái thơ thẩn vào ra như hắn !  Là thằng cu Đủm mà ngày đầy tháng hắn làm tiệc đãi to hơn cỗ làng.
 Rồi hắn làm nhà, ở chỉ cách nhà mình hơn vài trăm mét nhưng dăm khi mười họa hắn mới ghé sang, chỉ là để thăm chị và các cháu, bỗng nhiên hắn quên ngang mình. Kể cũng có lý vì mình hay nhậu nhẹt còn hắn thì không, hắn ghét nhậu đến thậm chỉ vì …không nhậu được, dù trong bụng cũng khoái cảnh chén thù chén tạc lu bù, chỉ một ly là mặt đỏ lựng như con gái dậy thì rồi lẻn ngả sau mất hút. Nhưng mất cái này hẳn được cái khác, hắn chuyển sang chơi cây cảnh rồi tập tò viết thư pháp để chỉ để xuất bản cho bạn bè. Riêng khoản cây cảnh vốn là món gia truyền vô đối của hắn, vợ hắn mừng là chàng luôn túc trực cho việc tưới tắm cây cỏ, hí hoáy chử nho, đánh đàn thổi sáo và để nàng… nhờ vặt. Được cái hắn đọc nhiều, biết đủ chuyện trên trời dưới biển để rồi lúc lan man, lúc trịnh trọng cho nhiều thứ triết lý mênh mông, bất tận. Khoái hắn vô cùng.
           Bây giờ thấy hắn đẩy đà, lại mang chút phong sương trên một khuôn mặt không già mà cũng chẳng trẻ, song đầy ung dung tự tại, mình thấy vui thật sự.  Cảm ơn những gì đời đã cho hắn và ghi nhận những cái hắn đã tặng cho đời bằng lòng nhiệt thành vốn có trong máu huyết của hắn như ngày nào. Hắn vẫn ôm đàn và ca hát bất kể sáng nắng chiều mưa, vẫn hằng đêm miệt mài gieo vần cho từng con chử để gửi về nơi hắn đã sinh ra trong những bài thơ hoài cảm đến nao lòng, vẫn nắn nót từng nét thư pháp thanh tao để cho những người đã từng có những ngày không quên với hắn chiêm ngưởng và suy tư. 
         Mình đã sống trên mãnh đất ấy ngắn hơn thời gian mình xa hắn bây chừ một chút rồi cũng phải ra đi, không gần hắn và bạn bè trên ấy được lâu. Âu cũng là số phận vì đời mình toàn là những chuyến đi dặm dặt. Ngày cuối ở KonTum, nhìn hắn và bạn bè đồng hương một thuở khệ nệ xách giúp từng món đồ chất lên xe, mình thấy khóe mắt như cay xè, bóng anh em nhòe dần khi xe chuyển bánh… Khung trời bên khung cửa kính hiện ra những lọn mây đang bay về phía biên giới tít tắp xa mù, sáng mùa thu như hừng hực nóng trong cuộc chia tay một đi không trở lại của mình. Mình không nhớ hết những gì đã để lại trên mãnh đất một thời thanh xuân đầy ắp những kỹ niệm ngọt ngào và cay đắng ấy trong nhiều đêm ký ức bất chợt đã tràn về.  Chỉ nhớ như in rằng nơi đó luôn có hắn và căn nhà đầy hạnh phúc của hắn, vang ra tiếng guitare quen thuộc, những chậu bonsai xanh um đơm hoa đều đặn, những bức thi pháp dở dang, nắn nót từng đêm chỉ để tặng bạn bè và người thân yêu quanh hắn.
  Có lẽ hắn là đứa khó quên nhất trong những đứa khó quên của mình  ngày nào.
                                                                  Tam Kỳ, tháng 8,2013