Hiền đi dạo một mình ven con sông dọc qua những luống ớt xanh
rờn chĩa ra tua tủa chùm trái chín đỏ tươi mùa tháng ba, cô tinh nghịch ném hòn
đất vào bụi cây, con chim cút nghe tiếng động bay vù lên rồi mất hút dưới bực
sông, cô buột miệng cười cho hành vi kỳ cục của mình... Hai mươi hai tuổi, làm
công nhân một trạm bơm điện bên kia sông, trông cô hồn nhiên như một đứa con
gái mới lớn, mái tóc đen nhánh, bím gọn để lộ khuôn mặt trái xoan hồng, đôi mắt
bồ câu hút hồn vướng chút buồn dìu dịu chực cười theo đôi môi mọng chín như
thoáng một niềm vui đang rộ. Ai cũng bảo cô giống mẹ, người đã ra đi về cõi
vĩnh hằng bên bờ sông này trong trận càn kinh hoàng năm sáu chín của lính Đại
Hàn. Hiền dừng lại rồi ngồi bệt lên liếp cỏ cháy khô lơ đãng nhìn xuống dòng
sông, lối mòn bên kia sông chỉ cách bên này một con đò ngang với tiếng sóng lao
xao chiều nào, cuộc chia tay không biết trước được trong biến cố làm thay đổi
nhiều đời người, chỉ kịp với người bạn trai thân nhất thời học trò. Nỗi nhớ
dâng lên da diết, vô hình, rồi niềm đau khôn tả ôm lấy những kỷ niệm run rẩy,
ngọt ngào !
Ngày ấy, cô bé Hiền mười lăm tuổi thơ ngây như tờ giấy trắng
trong tà áo dài nữ sinh trung học, Hiền như đoá hoa lung linh trên sân trường,
e ấp, thẹn thùng nhưng rực rỡ. Đêm văn nghệ nối vòng tay lớn có câu hát "Xuân
đã đến rồi gieo rắc muôn ngàn hồn hoa xuống đời..." trong giàn hợp
ca, tiếng lĩnh xướng của cô bay lên lướt trên ánh lửa trại bập bùng, cô bé đệ
lục có giọng hoạ mi vút cao, duyên dáng và nhiệt thành, cánh tay vòng lên theo
nhịp hát như muốn ôm lấy một khoảng trời, sân trường đêm như nín thở nuốt từng
giai điệu ngọt ngào, người bạn trai của cô dán mắt trên nền sân khấu, ngời lên
trong niềm vui vô tư xen lẫn những xao xuyến đầu đời. Lúc ấy Quân vừa lên mười
tám.
... Hồi kết của chiến tranh, nó phải đến vì đã quá dài trong
mong đợi với những chia tay và hội ngộ ! Chưa đầy hai mươi tuổi có ai nếm được
hương vị của sự chia tay, một thế hệ học trò chỉ biết là đã lúc hết gặp nhau
hằng ngày trên cái sân trường nhuốm đầy hoa phượng có tiếng ve rả rích mùa hè,
chỉ có thế. Hiền nhớ lại ngày ấy, một buổi sáng mưa tiết tháng bảy, có thứ hấp
lực vô hình nào đó đã xúi cô nắm chặt bàn tay gầy ruộc của Quân, lí nhí một câu
vội vã, đứt quãng rồi quay lưng " Anh Quân về đi học tiếp nghe, đừng
bỏ". Âm thanh như vỡ ra, ngấm vào từng kẻ lá non nhú lên trên hàng chè tàu
xanh um phủ lên lớp tơ hồng vàng óng. Quân đứng đực ra nhìn bóng Hiền chạy
nhanh ra bến đò mất hút. Thế đó, không kịp nói hết lời chia tay, không kịp để
lại một dấu vết dò tìm, trong cuộc chia ly đường đột ấy, như đàn chim vỡ tổ
nhạt nhoà theo thời gian trôi vụt, năm năm rồi mười năm biền biệt. Trí nhớ còn
đó nhưng trơ trụi, bào mòn dần theo cơn lốc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn, có khi
đã từng đi lướt qua nhau mà không hề hay biết !
Mười bảy tuổi, bố đã đi bước nữa, Hiền cô đơn bên ông bà ngoại
quanh miệt vườn rồi lớn lên bên nà thổ sát bờ kênh mới đắp, ngày ngày nghe
tiếng máy bơm chạy đều đều như chính cái cuộc đời đơn tẻ của cô, thi thoảng
Hiền kiếm cớ đi chợ để được qua phố huyện, để được nhìn lại ngôi trường cũ vài
lần, biết đâu lại gặp lại ai đó trong đám bạn ngày nào, biết đâu trong đó lại
có Quân. Hiền bắt đầu hoang mang, lẽ nào lại không còn ai nữa ? rồi một lần
nghe ai đó nói loáng thoáng "Quân nó đã vào bộ đội". Sau lần đó ít
thấy Hiền lên phố huyện.
Lịch sử sang trang tưởng như sẽ không còn tiếng súng, nhưng cuộc
chiến mới lại bắt đầu khi cuộc chiến cũ vừa kết thúc, đất nước yêu thương với
vòng quay ngang trái lại thêm một lần đưa những chàng trai ra trận. Quân hoà
mình theo đoàn quân lên biên giới Tây Nam, ròng rã sáu năm xông pha, anh đã để
lại chiến trường một bàn tay và một phần thân thể quý giá, lại là bàn tay mà
mấy năm trước cô bạn gái của anh đã nắm chặt trong phút chia tay vội vã, bàn
tay đã từng siết cò gần trăm băng đạn xối xả vào quân thù tàn bạo, bàn tay đã
sưởi ấm lồng ngực trong những đêm chiến hào ọc nước, ngày ở trạm phẫu thuật
tiền tuyến anh chỉ khẽ kêu lên "Hiền ơi" khi bàn tay rách nát, tái
nhợt ấy lìa hỏi cơ thể tráng kiện của chàng lính hai mươi bốn tuổi chưa bao giờ
hưởng được những tháng ngày hoà bình. Ngày về của Quân, trong ánh vinh quang
của những chiến công lại lờ mờ một góc khuất cho lòng mặc cảm đè nặng, cho mất
mát riêng tư chỉ mình anh biết. Anh đi tìm Hiền chỉ có một lần. Chao ôi, giá
như lần ấy Quân không hèn nhát, không bị cái mặc cảm ấy giày vò thì có lẽ Hiền
sẽ nhào vô lòng anh để được hờn giận, để được vỗ về, an ủi sau những tháng năm
mòn mỏi ngóng trông chẳng phải vì một lời hẹn ước. Dù sao anh cũng đã một lần
tìm lại Hiền, chỉ vậy thôi là đủ. Nói hết với cô ư , để làm gì ? Không đời nào,
với anh, Hiền không được khổ, người con gái đầu đời của anh không được khổ vì
anh. Anh bước đi như kẻ trốn chạy, phủi tay trước gánh nợ nần, biệt vô âm tín.
Hiền nhắm nghiền mắt, hình ảnh tái hiện như thước phim quay chậm
trườn qua miền ký ức, quặn lại trong nỗi đau giằng xé. Cô như nghiệm lại tình
cảm của mình, để làm gì cô cũng không biết nữa. Bảy năm trời, một cái nắm tay
và một lần gặp lại gượng nghịu, ngại ngùng. Bây giờ một mình bên bờ sông vắng
cô chỉ biết tự giận mình, cô thèm có một cái hôn biết bao, nhưng lại bướng
bỉnh, khăng khăng đòi cái hôn đầu tiên đó phải là của Quân và chỉ có Quân mới
được ? cô chờ đợi hằng ngày, hằng đêm cái hôn đó bên hàng chè tàu xanh um ấy,
trong một đêm trăng sáng, một ban mai hay trong ráng chiều tà dưới ánh hoàng
hôn muộn màng bên bến nước... Vậy mà một thằng lính như Quân không đủ dũng cảm
để làm cái điều cực kỳ đơn giản đó, cũng vẫn đực mặt ra nhìn một cô gái xuân
thì thơm nõn, rồi trơ như đá cuội. Lẽ nào súng đạn đã làm anh điếc đặc, làm
trái tim anh khô héo đến độ không còn cảm nhận một chút gì trong ánh mắt của
người bạn gái từng nắm tay mình bằng sự âu yếm vô bờ, đã từng đợi chờ và mơ
thấy anh không phải một lần trong giấc ngủ còn thơm mùi trinh nguyên bên bờ con
sông quê hương. Quân ơi, anh đâu biết chỉ vì anh, Hiền đã từ chối không nắm
những bàn tay đã dang rộng, đã nhẫn tâm chặt ngã không biết bao cây si đã trồng
cạnh hàng chè tàu phủ đầy dây tơ hồng ngày xưa của tụi mình, đã trốn chạy ra
khỏi vòng si mê điên dại của tuổi trẻ đang phơi phới xuân tình, chỉ để chờ anh,
để có với anh một mối tình đầu trọn vẹn như những cô gái cùng trang lứa khác
đang có. Những giọt nước mắt bỗng trào ra, lần đầu, cũng là lần cuối cho anh,
nhạt nhoà giữa trời chiều, dưới kia con sóng không còn lăn tăn nữa mà như muốn
chồm lên ôm hết nỗi đau thầm kín của cô gái trẻ, nhấn chìm hết nỗi khắc khoải
trong thảng thốt vĩnh viễn xuống tận đáy sông.
*
Phải chi bé Hoà là con ruột của Quân thì
sự gắn kết của số phận được coi như ván cờ của tạo hoá cố tình vây bủa, trêu
ghẹo cuộc đời Hiền ! nhưng bé Hoà chỉ là con nuôi của Quân- Anh không thể lập
gia đình, bố ruột bé Hoà là đồng đội của Quân đã hy sinh trên tay anh sau một
trận truy kích bên K. Mẹ Hoà cũng đã đi xa sau cơn bạo bệnh, Quân nuôi Hoà từ
khi nó lên bốn tuổi đến nay đã tốt nghiệp đại học, lại sắp làm dâu nhà Hiền.
Ngày đầu tiên cậu con trai Hiền đến thăm nhà "bố vợ" Quân cảm thấy
ngờ ngợ như đã gặp cậu ta ở đâu đó, rồi hai bác cháu cứ nói chuyện như thân
nhau từ lâu lắm ! con bé Hoà thì đắc chí thán phục tài nghệ của người yêu
đã vượt qua "Ông Khốt" một cách dễ dàng. Con trai gì mà giống mẹ từ
đôi mắt đến nụ cười, có lẽ do vậy mà Quân như tiếp cận được con sóng dậy lên từ
cõi vô thức xa xăm đã in hằn, đã ngũ quên trong trái tim giá lạnh của anh, câu
chuyện rôm rả giữa hai thế hệ, không đầu không cuối cứ nối tiếp nhau nhưng rồi
cả hai cũng không nhớ mình đã nói những gì ! Cứ thế, hễ tới chủ nhật là Quân
lại trông ngóng chàng trai đến nhà, rồi từ chỗ thích thú đến say mê, chàng trai
cảm thấy như có trách nhiệm phải ghi lại hết những chuyện kể đứt quãng về quảng
đời niên thiếu cho đến những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ở chiến trường,
rồi những năm tháng cô đơn bên cạnh bé Hoà...Bằng giác quan của một nhà báo,
anh biết được giá trị của kho tư liệu sống mà mình đang may mắn tiếp cận, duy
có điều anh không hề biết là một phần cuộc đời của mẹ anh cũng có trong những
trang ghi chép ấy, anh cũng không hề hay biết hình ảnh "Ông Khốt" rất
đỗi kính yêu và thân thiết của anh vẫn còn nằm đâu đó trong tận cõi lòng sâu
thẳm của mẹ mình.
Đến bây giờ thì Hiền đã hiểu tất cả mọi
chuyện, nhưng chỉ còn biết chôn chặt niềm thương cảm, xót xa cho một số phận đã
gắn với đời mình bằng giọt nước mắt đã khô của một người đàn bà giữa lúc xế
chiều. Cũng vào một chiều mưa tháng bảy, trong ngôi nhà vắng lặng, nhìn đứa con
dâu ngoan hiền, xinh đẹp đang ngập tràn trong hạnh phúc với một tương lai xán
lạn đang chờ, Hiền mở một nụ cười mãn nguyện - niềm hạnh phúc đã có được từ nỗi
đau, những mất mát được chắt chiu bằng tấm lòng dang rộng, mãi được san sẻ công
bằng theo chiều quay của tạo hoá nhiệm màu.
Tam Kỳ, 6.2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét