Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

VÀNG MÃ

Anh đứng trước sân, tay cầm gậy chọc vào cái thùng sắt đục sẳn chi chít lỗ cho giấy cháy đều, đã vài chục phút rồi vẫn chưa hết, vẻ mặt nghiêm trang thành kính. Món quà đầu năm cho tổ tiên gửi qua ngọn lữa cháy bùng, hừng hực đầy bí hiểm. Thỉnh thoảng thấy miệng anh lảm nhảm, thầm thì gì đó rồi chắp tay vái lạy về phía làn khói đang bốc lên, vẻ linh thiêng lắm ...
Biết nói sao, khi cái đã ăn sâu tận xương tủy, đang nằm tận đáy lòng anh, đã truyền từ mấy đời ông cha chú bác, dù anh cũng đã cầm được bằng thạc sĩ, đóng lon phó một ngành quan trọng của tỉnh . Anh bảo nhiêu đâu chú, chỉ phần tư chầu đánh chén ban chiều thôi, mà làm cho cõi lòng được yên với các cụ ...
Vậy đó, một ngàn năm đô hộ giặc Tàu đã qua từ mấy trăm năm nhưng dấu tích văn hoá huyền hoặc đâu dễ lụi tàn, bóng văn minh Tây phương đã hiện diện cả mấy trăm năm cũng không che nỗi đám mây tâm linh dày đặc giăng kín hồn dân Việt. Hỡi ôi, đất nước mãi bận rộn với giáo mác và máu xương lẫn hận thù còn thời gian đâu mà chấn hưng văn hoá cho dân trí được khai tâm, rồi bị cuốn vào đám hổn mang cơm áo, những chiêm nghiệm cho những tinh hoa tinh thần như bị bào mòn trơ trọi, cô đơn ... như vô tình dành trọn không gian cho cõi vô hình chế ngự như thứ cứu cánh cuối cùng vơ vớt được !
Tôi nói anh, không ai chứng minh được người chết được ăn một bửa no nê trong ngày giổ hay nhận được các thứ anh đang đốt gửi để mà tiện nghi nơi âm cảnh, anh bảo chú chứng minh ngược lại được không. Huề nhé ? Nhà nước chưa cấm thì ta cứ, anh cười nhẹ ....
Nhà nước chỉ khuyến cáo chứ không thể cấm, đương nhiên rồi, bởi nó có lý do đề tồn tại rất đàng hoàng và kính cẩn, nó chỉ mất đi khi ai cũng nhận thức được điều không thể chứng minh được đó chỉ là tình cảm hướng về nằm sâu trong tâm thức phải được khai phóng. Rất tiếc là quốc gia thiếu đi những nhà văn hóa lớn thì việc giáo hóa quốc dân vô hình dung lại được đặt lên vai của thánh thần. Phong hóa suy đổi hay thịnh vượng không bởi do lắm thánh nhiều thần, mà do cái tâm trí của quốc dân có sáng hay không. Mà muốn sáng thì phải có người khai. Tiếc là ở xứ ta, mọi thứ như đang rồ dại, âm u tù mù cả.
Anh lại bảo mọi chuyện các cụ truyền kỳ xưa nay đều có sự tích cả đấy chú ạ, phận con cháu cứ thế mà noi để gương ngày thêm sáng và đức độ từ đó mà dày lên  đặng mang âm phước cho cháu con muôn đời mãi mãi… Tôi thầm nghĩ, tích sự thì dị mọ, lề thói thì cọ quẹt linh tinh nên đâm ra nhiều nỗi tâm linh rất thần tình mất nết. Nếu lấy sự ấy làm phong hóa nghìn năm thì nhẽ cái ba vạn sáu nghìn ngày của ông người nó ê chề lắm lắm ? Nghĩ mà đâu dám nói với anh, sợ anh nghĩ mình là đứa vô thần nghịch tặc.
Nhưng tôi vặn anh, thánh thần mất đã lâu mà còn đóng góp thuế má cho nhà nước đấy, bằng chứng là vàng mã đang chịu mức thuế khá cao. Anh bảo tôi chỉ được tật báng bổ, có ngày thánh nó vật cho.
Há há... Em nào sợ chi thánh thần quở trách mà chỉ hãi ma quỷ nó giận hờn thôi anh ạ.
Thề đấy !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét