Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

ĐỘC QUYỀN CÁI ĐẦU

                                                                  
 
Chả biết máu huyết đang bốc cơn hay khí độ sắp chuyển sang thì bô lão mà cái mái tóc bồng bềnh đẹp như thiên thần một thời của tôi bỗng chuyển từ đen tuyền sang bạc trắng trước tuổi năm mươi ! Chậc… thời trai trẻ xem như vụt qua, chả tiếc gì, tôi an ủi bà xã, mình già rồi, em nhé.  Nhưng khổ nỗi bà xã tôi lại không chịu vậy. Anh mà già à ! Phởn thế sao lại bạc trắng đi được cơ chứ, chả nhẽ bắt em phải kêu anh bằng chú à ?  Nhuộm đen lại cho tôi đi, ông kễnh ạ !

       Tôi giả bộ như không nghe thấy cái nỗi lo đáng yêu ấy của bà xã rồi phớt lờ. Vả lại lúc soi gương thấy nó cũng chẵng nỗi nào, mái tóc trắng như cước, cũng còn  vướng đọng những sóng gió rạt rào nên trông cũng bồng bềnh lãng tử đấy chứ, có khi lại giống như một diễn viên màn bạc nào đó chứ chẳng chơi, chưa kể tới đoạn được phổng mũi lên khi bắt gặp những cái liếc xéo của dăm bóng hồng đang khoái mốt đầu bạc. Dần dần cái đầu trắng như tuyết bắc cực của tôi trở nên nỗi tiếng khắp thành phố.  

 Nhưng rồi chuyện đó cũng không kéo dài được lâu, nhân đám cưới con thằng bạn thân, năn nỉ hoài bà xã cũng không chịu đi cùng, nàng vùng vằng “ Để nghe người ta gọi anh là cụ đấy à, em mắc cỡ lắm ! ”. Tôi chột dạ, hèn gì lâu nay nàng luôn tìm cách tránh né hiện diện cùng tôi đến chỗ đông người. Đắn đo mãi, tôi quyết định phải ra một cái quán nào đó để cải tạo lại cái mớ dây cước rất nghệ sĩ ấy đang ngổn ngang, bề bộn trên đầu mình.

        Nói thật  lòng chứ nếu được ra phố Hàng Lược với những dãy quán hớt tóc gội đầu chính hiệu nhiều sắc màu bắt mắt ấy mỗi tháng thì không gì khoái bằng, cái này không kể ra ai cũng biết. Thời thế nó vậy, khi mấy bác thợ cạo hiền lành, vui vẻ ngày nào đã giải nghệ hết vì không sao cạnh tranh nỗi với đám thanh nữ chân dài đang tràn ngập. Không ra đó chả lẽ phải mua dao về rồi tự cạo đầu mình chắc ?  Tôi phân bua với bà xã.

      Chắc mẫm với lý lẽ như đinh đóng cột đó, tôi lấy hết bình tỉnh rồi khệnh khạng như một quý ông sang trọng bước vào một quán ngon nhất của phố gội đầu có cái tên vô cùng thẳng thớm đó, rồi miên man thả hồn trong mùi nước hoa thoang thoảng, mùi dầu gội cộng với mùi da thịt con gái thơm nõn, rồi những cú chạm vô tình, hữu ý… nhiều cảm giác trẻ trung …  theo tiếng í.. ơi..  cùng những bản tình ca êm ái ru hồn từ bờ môi chúm chím sen hồng của cô thợ gội xinh xắn… Lạy trời, có phải con đang ở chốn bồng lai không vậy ...

Khốn khổ cái thằng tôi vốn ngốc nghếch, chả ý tứ kinh nghiệm gì sất, cứ thấy quán là sà vào. Chẳng nhớ được phiêu diêu trong miền cực lạc ấy bao lâu, tôi chợt choàng tỉnh với giọng phụ nữ lảnh lót nghe quá quen đang nói cười gì đó với mấy cô thợ, rồi cái bóng phụ nữ ấy bật lên từ chiếc ghế tựa cách tôi chưa quá mươi bước chân. Tôi như muốn độn thổ xuống nền nhà khi phát hiện ra đó chính là bà xã tôi, chắc là nàng cũng tranh thủ đến đây để chăm sóc gì gì đó !? Tôi hốt hoảng nhắm nghiền mắt mặc cho sự thể ra sao thì ra, ít nhất cũng tránh được cái ánh mắt mang hình viên đạn của nàng khi nhận ra tôi đang đê mê ở nơi chốn quá nhạy cảm này. Nhưng như một phép màu, nàng bước nhanh ra khỏi quán kèm lời chào đầy bình tỉnh, tự tin như không có chuyện gì xảy ra. Cảm ơn thánh thần linh thiêng đã che chở cho con một tai ương chỉ trong gang tấc, tôi lẩm bẩm một mình rồi nhanh chân biến ra khỏi quán. Để cho chắc ăn, tôi rút điện thoại gọi thằng bạn cùng đi uống cho say hẳn rồi bắt hắn chở về nhà. 

       Chẳng bao lâu, đám cỏ trắng trên cái đầu khốn khổ của tôi bắt đầu nhú lên, bà xã tôi lại giục đi nhuộm. Tôi lại giả vờ gợi ý nàng nên đi làm lại móng tay, gội tóc, lột da… gì gì đó cho đẹp, cho ra quý bà một chút. Thâm ý của tôi là để nàng đi làm trước cái đã, yên tâm khỏi lo vướng vào một cuộc gặp bất ngờ không ai mong muốn như lần trước. Xong, một sáng đẹp trời tôi hăm hở ra phố Hàng Lược chọn một quán khác để nhuộm tóc, lòng rộn ràng như mở cờ trong bụng, lần này thì tha hồ … Thế nhưng cái số tôi nó lại luôn đen đủi trong các cuộc vui, chưa xong bước dạo đầu với một nàng chân dài xinh như mộng thì tôi vướng phải cô em vợ đang ung dung ngồi cắt móng chân trên ghế, tấm kính phản chiếu tai hại làm rõ mồn một ông anh rể khả kính đang xuất hiện một cách đáng ngờ trong quán gội đầu thanh nữ làm nàng giật mình. Để chữa cháy, tôi vội hỏi một câu hết sức ngớ ngẩn “Chị qua đây em gặp chưa ? ”, dì nó cũng chẳng vừa “Anh chở chị đi làm đẹp thật à ? ”, tình thế oái ăm buộc tôi phải phán bừa một câu đậm mùi bốc phét “Bao giờ chả thế...” rồi bẽn lẽn chuồn thẳng.

       Nửa tháng trôi qua, cái mái tóc vốn đã nổi tiếng của tôi vẫn bồng bềnh, bồng bềnh nhưng lại mang hai gam màu trắng đen trộn lẫn ở nhiều tầng trông nó lập dị một cách rất tinh quái. Bà xã lại giục đi nhuộm, tôi lại tảng lờ phớt tỉnh như không nghe thấy mà chả biết giải thích thế nào cho lọt qua đôi tai vốn tinh thính một cách bẩm sinh của nàng. Sống nơi thành phố tỉnh lẻ chật hẹp này mọi người luôn có cảm giác là đã quen nhau từ muôn kiếp trước, cứ ra ngõ là gặp phải người quen có dây mơ rể má với nhau đủ kiểu. Cuối cùng tôi đành nghiến răng chém gió “Anh ngại nhuộm tóc ở phố Hàng Lược ấy lắm, trông nó không được đường hoàng sao ấy, hôm bữa anh có qua xem thử rồi…”. Nàng bỗng cười phá lên rồi nhân hậu: “Thôi để em mua thuốc về nhuộm cho anh vậy, nhé !”.

          Thế nhưng làm gì có chuyện “mua thuốc về nhuộm cho anh” như nàng đã hứa. Chắc là nàng sợ bạn bè cười cho là muốn độc quyền canh giữ cái đầu của ông xã ?  Nhưng tính nàng vốn chu đáo, cẩn thận nên đã kịp gửi hẳn tôi cho cô cháu họ đang làm nghề uốn tóc mãi tận hơn năm cây số để chăm sóc mái tóc cho ông dượng rể hay ham vui. Nàng bảo chỗ đó có thuốc tốt chưa hết đát, đảm bảo hợp vệ sinh mà giá lại rẻ hơn ba phần tư cơ đấy !

           Thôi vậy cũng được, tôi tự an ủi mình, vừa có mái tóc đẹp vừa khỏi phải đắn đo suy tính, vất vả cho mỗi bận nhuộm đầu, vả lại cũng chả dại gì làm trái ý nàng trong một vụ việc mang tầm hạnh phúc gia đình như thế này. Tôi chép đầy nhạc vào điện thoại rồi bật lên nghe mỗi khi cô cháu vợ cắt tóc gội đầu cho mình. 
         - Sở thích của dượng chỉ có thế thôi, cháu ạ ! Tôi nghiêm giọng, đường hoàng.
                                                                        Tam Kỳ, tháng 7.2013

Đã đăng tại Báo Quảng Nam
Lambada >

CHUYỆN CỦA CHÚ NÓ

CHUYỆN  CỦA CHÚ NÓ

 

                                                                                                        Truyện ngắn

          
           Chú nó, tức em ruột tôi, là tay phớt đời có tiếng nay bỗng dưng lại u uất, nỗi niềm. Chuyện lạ. Tuần trước chú cố mời cho được tôi ra quán vắng trò chuyện, cũng là chuyện lạ chưa từng xảy ra, tôi thương chú vô bờ nhưng không bao giờ ngồi chung bàn với chú. Lâu nay vẫn vậy.

          Té ra là chuyện yêu đương nhăng nhít hồi còn đi học của chú ấy, mấy chục năm rồi. Tôi dẹp ngang “Vẽ chuyện …”  nhưng chú nó lại nằn nì “ Việc này chỉ có anh mới giúp được … ”  Linh cảm như có điều gì không ổn trên cái khuôn mặt bướng bỉnh muôn đời ấy, tôi cũng không nỡ chối từ. Thôi chú nói đi, ngắn gọn nhé. Anh đang bận.
         …
 
              Và đây là câu chuyện của chú nó, đứa em đã từng làm tôi nhiều phen điêu đứng.  
 
            “ Chắc anh biết Tiểu Lan, hồi đó anh cũng từng khen đấy ” Ừ có thật, hai đứa học cùng lớp, mà sao ?  Tôi ngắt ngang. “ Hồi đó, em và Tiểu Lan yêu nhau lắm…”  Hả, nó mà yêu chú à, trời sập cho … ? Tôi kinh ngạc. Nói thật, tôi cũng thấy la lạ vì Tiểu Lan không chỉ xinh xắn mà còn là đứa học giỏi và ngoan, con gái rượu của thầy Khang, bạn đồng liêu với bố tôi một thời. Tiểu Lan đã vào đại học, còn thằng em hư hỏng của tôi thì chẳng có gì ra hồn ngoài cái khuôn mặt điển trai một cách tinh quái chứa đầy chất phá phách, luôn đình đám với những trò ma quỷ của học trò rồi bù khú khối chuyện tào lao vô bổ với đám bạn bợm trợn khắp phố huyện, đến nỗi cái bằng tốt nghiệp trung học cũng phải đánh vật mất hai năm mới lấy được, là đứa có thời niên thiếu phù phiếm nhất trần đời. Nhưng rồi tôi cũng dịu xuống vì thừa biết chuyện trai gái chỉ họa có ma quỷ mới biết tường tận ra sao !
 
          Chú kể tiếp “ Những năm ấy em đi học nghề rồi làm cho tiệm điện tử Vĩnh Thành như anh biết đó, là vì Tiểu Lan. Hồi đó, đời sinh viên khó khăn và buồn tẻ lắm nên có em bên cạnh ở một thành phố xa lạ không có bóng người thân quen, với Tiểu Lan là nguồn động viên và  an ủi lớn, ban đầu cũng xem nhau như anh em thôi nhưng rồi trong mỗi đứa tình cảm lại lớn dần, lớn dần cho đến cuối năm ba của Tiểu Lan…” 
 
             Tôi đoán biết chuyện gì đã xảy ra ở cái mốc năm ba ấy của Tiểu Lan với chú em tôi, quy luật muôn đời mà, làm gì có cái tình anh em giữa trai gái không máu mủ, chả bà con mà lại kè nhau suốt từng ấy năm !  Chà, kể ra chú nó cũng tài thật, suốt ngày cắm đầu lằng nhằng dây nhợ điện đài mà cưa đổ cô sinh viên đẹp như tiên ấy mới lạ chứ ! Nhưng có lẽ là chuyện bồng bột thời trẻ ấy thôi, ai cũng có, lạ gì. Bây giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, làm ăn khấm khá, cuộc sống ổn định đàng hoàng là mừng quá rồi còn gì. “Rồi chia tay, chuyện ấy bình thường có gì đâu ? ” Tôi hỏi ước chừng, muốn sớm kết thúc câu chuyện tưởng như vớ vẩn này.
 
         Chưng hửng nhưng chú nó lại cố tình chèo kéo “Chuyện là tình cờ em gặp lại Tiểu Lan trong công việc làm ăn với Công ty của cô ấy, thỉnh thoảng đi café nói chuyện vặt thôi”. Tôi rụng rời, lại chuyện tình cũ…  như các cụ đã dạy, tốt nhất là đừng nghĩ đến chứ đừng nói gặp mặt. Sao chú dại vậy ? Tôi lên lớp. Chú cố cãi “ Không có gì đâu anh, em hứa chắc với anh mà…” Trời ạ, chú tưởng có thánh thần nào đó đứng ra làm làm chứng cho chú chắc, sao chú không về nhà dắt thím ấy đi café để tha hồ mà chuyện vặt ?  Tôi gắt giọng.
 
         Là tôi nói vậy thôi, chứ làm sao từ chối được dù chỉ một tia nhìn khi những người từng yêu nhau có dịp gặp lại ! Họ còn muốn gặp lại, ngồi hàng giờ với nhau tức là họ đã từng chia tay trong những nhớ thương, tiếc nuối vì hàng mớ lý do ngớ ngẩn nào đó cũng giống lúc mới bén mùi nhau, hình ảnh chắc gì đã phai mờ, rồi chia sẻ, rồi xúc động, rồi  … dần dà như lữa gần rơm, có khi âm ỉ rồi bùng cháy mà chẳng hay. Đã biết bao chuyện tình cũ nhãn tiền với những kết cục buồn thảm mà ngay người trong cuộc cũng không thể lường trước. Đến đây, tôi thật sự hốt hoảng, biết đâu cô cậu có dịp gặp rồi dan díu lại với nhau thì có mà … Lạy trời, tôi như lờ mờ thấy mối hiểm nguy rồ dại nào đó đang rình rập cái tổ ấm yên bình của chú nó mà gia đình tôi đã bỏ bao công sức gầy dựng nên, rồi nghĩ về cô em dâu ngoan hiền, về thầy Khang mà bao giờ tôi cũng kính trọng như bố mình. 
                 
Thôi được, rốt cuộc thì chú cần anh giúp gì trong chuyện này ? Tôi nghiêm khắc.
 
           Trông chú ấy thật thảm hại, khác với cái ngông nghênh, tự phụ vô lối hằng ngày  “ … Là em nhờ anh cứ công nhận với vợ em là cái áo đó là anh tặng em với lý do gì gì đấy tùy anh nói , miễn sao là của anh chứ không phải của Tiểu Lan là xong việc, em nhức đầu quá thể, có lúc không muốn về nhà … Em đã lỡ nói thế với vợ em rồi ” cuối cùng chú ấy cũng bộc bạch, khẩn khoản.
 
Chết thật rồi, từ café vặt đến tặng áo cho nhau, rồi còn gì gì nữa chưa khai ra hết ? Thật quá thể… Tôi không kìm được cơn giận đang ập tới, đứng dậy bước ra khỏi quán không thèm nhìn mặt chú em đang lâm vào cảnh ất ơ, khốn nạn. Vợ chú ấy, tức em dâu tôi vì giận chồng đã bồng con sang nhà mẹ mấy hôm không chịu về nhà, đòi giải thích rõ ràng về cái áo mới đắt tiền mà chú “ đang mặc với vẻ tự mãn đáng ghét …” Rồi đây, cái gia đình đang yên ấm này sẽ rối tinh lên chỉ vì chú em nông nỗi của tôi dính vào chuyện không đâu, lại còn muốn tôi đứng ra bao che cho cái tội trạng đã rành rành ra đấy nữa chứ !
 
             Cô em dâu, vốn là cháu của người bạn vong niên thân thiết của tôi từ thuở thiếu thời nên đối với gia đình nó như đứa em ruột thịt mà mọi người rất yêu mến và nhất mực yêu thương. Nay chỉ vì một chiếc áo lạ, chẳng là gì nhưng có lẽ trong tiềm thức vô cùng mẫn cảm của một người vợ, tình cảm bỗng nhiên như bị thách thức, bị tổn thương, bị sĩ nhục…biết đâu nó được đưa tận tay từ một người phụ nữ nào đó hoặc người đã có thời yêu đương trong quá khứ với chồng mình cũng nên ? Tôi không hề trách thím nó, phụ nữ nào chả ghen tuông, chả tìm cách gìn giử cho bằng được cái tổ ấm hạnh phúc dù cỏn con, rách nát của mình không bị ai nhòm ngó, xâm phạm.
     
         Chú nó mụ mị thật rồi, khi yêu đương lăng nhăng thì anh nào cũng ngây ngô khờ khạo như thằng trai mới lớn là vậy, có lẽ vì thế mà chú nó bỗng lâm vào thế khó xử, chả lẽ nói thật ra hết với vợ, mà không nhận thì sợ bạn gái dỗi hờn. Còn tôi mà đi tặng cho chú một cái áo đắt tiền ấy à, lý do gì mới được chứ ?  Thậm đến quần áo của tôi còn lôi thôi, tuềnh toàng coi chả ra hồn phách gì thì làm sao lại có chuyện lộn ngược vậy, ma nó tin cho hay sao ?  Rồi tôi phải lấy trắng thay đen để lừa thím ấy à, không đời nào !  Tôi thật sự rối bời, thôi chuyện gia đình chú thì tự giải quyết lấy, nhé. Tôi dứt khoát trong suy nghĩ của mình.
 
           Ba ngày trôi qua, nhìn cảnh chú nó phải ngơ ngẩn, vào ra hút vặt, cáu gắt, bỏ cả công việc để đôn đáo năn nỉ thím ấy về nhà nhưng thím chẳng những dứt khoát không chịu tin lại còn gặp vợ tôi lu loa kể tội chú ấy, tôi cũng xót lòng. Tình thế thật khó khăn. “ Anh phải kiếm cách gì giải quyết êm xuôi chứ, thì cứ nghe lời chú ấy cho xong chuyện đi ? ” Vợ tôi giục rồi rỉ tai  “ Có thể thím ấy cũng chả tin thế đâu nhưng chỉ cần anh nói vậy thì thím cũng nguôi ngoai đi, chả lẽ giận chồng có lý do rõ ràng rồi bỗng nhiên hết giận hay sao, chú nó còn coi ra gì nữa !”  rồi tiện thể nguýt luôn “Mà anh cũng liệu hồn đấy”
 
Có lẽ vợ tôi nói đúng, chả còn cách nào khác, là để giử cái danh dự cho anh chồng dại dột đã trót nói dối một cách vụng về trước vợ mình, để thím còn có cách thoát ra khỏi cơn ghen có nguy cơ đổ bể hạnh phúc gia đình, thực ra là để tạm chữa cái đám cháy đang bùng phát dữ dội ấy mà thôi. Có lẽ thím ấy cũng chỉ cần nghe tiếng nói của ông anh cả mới yên lòng, là muốn củng cố lại một chổ dựa tinh thần từ phía nhà chồng. Biết là thế, nhưng tôi cứ mãi đắn đo, nhỡ một ngày nào đó thím ấy phát hiện ra chuyện gì mờ ám của chú nó quanh cái của nợ này  thì ông anh cả chỉ còn muối mặt với thím hay sao,  rồi tôi liệu còn đủ uy tín để chèo lái cái gia đình này nữa không đây ? Chưa kể tới chuyện chú nó được thể, rồi như con ngựa bất kham đã đứt mất dây cương không biết mai đây rồi sẽ ngoặc theo hướng nào ! Chao ôi, tưởng như đơn giản hóa ra lại kéo theo trăm thứ bà chằn. Là chuyện riêng  của gia đình chú nó, nhưng tôi như thấy đầu mình đang bung ra từng mảnh vụn.

Thao thức suốt một đêm miên man suy tính về chuyện chú nó, gần sáng tôi mới chợp được mắt rồi chìm vào cơn mơ kỳ lạ… Tôi mơ thấy mình bỗng sống cô đơn trong một thung lũng nhiều nắng gió và cỏ xanh, đang chăn dắt một bầy cừu lông trắng như tuyết, hát đến lạc giọng những bài ca không còn giai điệu và chỉ thấy lờ mờ trong đêm những tia nhợt nhạt của ánh trăng vàng như cỏ úa…
        
Sáng nay thức dậy sớm đi café một mình. Tôi rút điện thoại gọi chú nó đến cùng, đây lần đầu tiên tôi làm thế khi chú nó sắp tuổi bốn mươi.
 Và có lẽ tôi sẽ luôn làm thế.
                                                                            Tam Kỳ, 8..2011

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NỖI ĐAU HẠNH PHÚC

                                                                                

  Hiền đi dạo một mình ven con sông dọc qua những luống ớt xanh rờn chĩa ra tua tủa chùm trái chín đỏ tươi mùa tháng ba, cô tinh nghịch ném hòn đất vào bụi cây, con chim cút nghe tiếng động bay vù lên rồi mất hút dưới bực sông, cô buột miệng cười cho hành vi kỳ cục của mình... Hai mươi hai tuổi, làm công nhân một trạm bơm điện bên kia sông, trông cô hồn nhiên như một đứa con gái mới lớn, mái tóc đen nhánh, bím gọn để lộ khuôn mặt trái xoan hồng, đôi mắt bồ câu hút hồn vướng chút buồn dìu dịu chực cười theo đôi môi mọng chín như thoáng một niềm vui đang rộ. Ai cũng bảo cô giống mẹ, người đã ra đi về cõi vĩnh hằng bên bờ sông này trong trận càn kinh hoàng năm sáu chín của lính Đại Hàn. Hiền dừng lại rồi ngồi bệt lên liếp cỏ cháy khô lơ đãng nhìn xuống dòng sông, lối mòn bên kia sông chỉ cách bên này một con đò ngang với tiếng sóng lao xao chiều nào, cuộc chia tay không biết trước được trong biến cố làm thay đổi nhiều đời người, chỉ kịp với người bạn trai thân nhất thời học trò. Nỗi nhớ dâng lên da diết, vô hình, rồi niềm đau khôn tả ôm lấy những kỷ niệm run rẩy, ngọt ngào !

Ngày ấy, cô bé Hiền mười lăm tuổi thơ ngây như tờ giấy trắng trong tà áo dài nữ sinh trung học, Hiền như đoá hoa lung linh trên sân trường, e ấp, thẹn thùng nhưng rực rỡ. Đêm văn nghệ nối vòng tay lớn có câu hát "Xuân đã đến rồi gieo rắc muôn ngàn hồn hoa xuống đời..." trong giàn hợp ca, tiếng lĩnh xướng của cô bay lên lướt trên ánh lửa trại bập bùng, cô bé đệ lục có giọng hoạ mi vút cao, duyên dáng và nhiệt thành, cánh tay vòng lên theo nhịp hát như muốn ôm lấy một khoảng trời, sân trường đêm như nín thở nuốt từng giai điệu ngọt ngào, người bạn trai của cô dán mắt trên nền sân khấu, ngời lên trong niềm vui vô tư xen lẫn những xao xuyến đầu đời. Lúc ấy Quân vừa lên mười tám.

... Hồi kết của chiến tranh, nó phải đến vì đã quá dài trong mong đợi với những chia tay và hội ngộ ! Chưa đầy hai mươi tuổi có ai nếm được hương vị của sự chia tay, một thế hệ học trò chỉ biết là đã lúc hết gặp nhau hằng ngày trên cái sân trường nhuốm đầy hoa phượng có tiếng ve rả rích mùa hè, chỉ có thế. Hiền nhớ lại ngày ấy, một buổi sáng mưa tiết tháng bảy, có thứ hấp lực vô hình nào đó đã xúi cô nắm chặt bàn tay gầy ruộc của Quân, lí nhí một câu vội vã, đứt quãng rồi quay lưng " Anh Quân về đi học tiếp nghe, đừng bỏ". Âm thanh như vỡ ra, ngấm vào từng kẻ lá non nhú lên trên hàng chè tàu xanh um phủ lên lớp tơ hồng vàng óng. Quân đứng đực ra nhìn bóng Hiền chạy nhanh ra bến đò mất hút. Thế đó, không kịp nói hết lời chia tay, không kịp để lại một dấu vết dò tìm, trong cuộc chia ly đường đột ấy, như đàn chim vỡ tổ nhạt nhoà theo thời gian trôi vụt, năm năm rồi mười năm biền biệt. Trí nhớ còn đó nhưng trơ trụi, bào mòn dần theo cơn lốc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn, có khi đã từng đi lướt qua nhau mà không hề hay biết !

Mười  bảy tuổi, bố đã đi bước nữa, Hiền cô đơn bên ông bà ngoại quanh miệt vườn rồi lớn lên bên nà thổ sát bờ kênh mới đắp, ngày ngày nghe tiếng máy bơm chạy đều đều như chính cái cuộc đời đơn tẻ của cô, thi thoảng Hiền kiếm cớ đi chợ để được qua phố huyện, để được nhìn lại ngôi trường cũ vài lần, biết đâu lại gặp lại ai đó trong đám bạn ngày nào, biết đâu trong đó lại có Quân. Hiền bắt đầu hoang mang, lẽ nào lại không còn ai nữa ? rồi một lần nghe ai đó nói loáng thoáng "Quân nó đã vào bộ đội". Sau lần đó ít thấy Hiền lên phố huyện.

Lịch sử sang trang tưởng như sẽ không còn tiếng súng, nhưng cuộc chiến mới lại bắt đầu khi cuộc chiến cũ vừa kết thúc, đất nước yêu thương với vòng quay ngang trái lại thêm một lần đưa những chàng trai ra trận. Quân hoà mình theo đoàn quân lên biên giới Tây Nam, ròng rã sáu năm xông pha, anh đã để lại chiến trường một bàn tay và một phần thân thể quý giá, lại là bàn tay mà mấy năm trước cô bạn gái của anh đã nắm chặt trong phút chia tay vội vã, bàn tay đã từng siết cò gần trăm băng đạn xối xả vào quân thù tàn bạo, bàn tay đã sưởi ấm lồng ngực trong những đêm chiến hào ọc nước, ngày ở trạm phẫu thuật tiền tuyến anh chỉ khẽ kêu lên "Hiền ơi" khi bàn tay rách nát, tái nhợt ấy lìa hỏi cơ thể tráng kiện của chàng lính hai mươi bốn tuổi chưa bao giờ hưởng được những tháng ngày hoà bình. Ngày về của Quân, trong ánh vinh quang của những chiến công lại lờ mờ một góc khuất cho lòng mặc cảm đè nặng, cho mất mát riêng tư chỉ mình anh biết. Anh đi tìm Hiền chỉ có một lần. Chao ôi, giá như lần ấy Quân không hèn nhát, không bị cái mặc cảm ấy giày vò thì có lẽ Hiền sẽ nhào vô lòng anh để được hờn giận, để được vỗ về, an ủi sau những tháng năm mòn mỏi ngóng trông chẳng phải vì một lời hẹn ước. Dù sao anh cũng đã một lần tìm lại Hiền, chỉ vậy thôi là đủ. Nói hết với cô ư , để làm gì ? Không đời nào, với anh, Hiền không được khổ, người con gái đầu đời của anh không được khổ vì anh. Anh bước đi như kẻ trốn chạy, phủi tay trước gánh nợ nần, biệt vô âm tín.

Hiền nhắm nghiền mắt, hình ảnh tái hiện như thước phim quay chậm trườn qua miền ký ức, quặn lại trong nỗi đau giằng xé. Cô như nghiệm lại tình cảm của mình, để làm gì cô cũng không biết nữa. Bảy năm trời, một cái nắm tay và một lần gặp lại gượng nghịu, ngại ngùng. Bây giờ một mình bên bờ sông vắng cô chỉ biết tự giận mình, cô thèm có một cái hôn biết bao, nhưng lại bướng bỉnh, khăng khăng đòi cái hôn đầu tiên đó phải là của Quân và chỉ có Quân mới được ? cô chờ đợi hằng ngày, hằng đêm cái hôn đó bên hàng chè tàu xanh um ấy, trong một đêm trăng sáng, một ban mai hay trong ráng chiều tà dưới ánh hoàng hôn muộn màng bên bến nước... Vậy mà một thằng lính như Quân không đủ dũng cảm để làm cái điều cực kỳ đơn giản đó, cũng vẫn đực mặt ra nhìn một cô gái xuân thì thơm nõn, rồi trơ như đá cuội. Lẽ nào súng đạn đã làm anh điếc đặc, làm trái tim anh khô héo đến độ không còn cảm nhận một chút gì trong ánh mắt của người bạn gái từng nắm tay mình bằng sự âu yếm vô bờ, đã từng đợi chờ và mơ thấy anh không phải một lần trong giấc ngủ còn thơm mùi trinh nguyên bên bờ con sông quê hương. Quân ơi, anh đâu biết chỉ vì anh, Hiền đã từ chối không nắm những bàn tay đã dang rộng, đã nhẫn tâm chặt ngã không biết bao cây si đã trồng cạnh hàng chè tàu phủ đầy dây tơ hồng ngày xưa của tụi mình, đã trốn chạy ra khỏi vòng si mê điên dại của tuổi trẻ đang phơi phới xuân tình, chỉ để chờ anh, để có với anh một mối tình đầu trọn vẹn như những cô gái cùng trang lứa khác đang có. Những giọt nước mắt bỗng trào ra, lần đầu, cũng là lần cuối cho anh, nhạt nhoà giữa trời chiều, dưới kia con sóng không còn lăn tăn nữa mà như muốn chồm lên ôm hết nỗi đau thầm kín của cô gái trẻ, nhấn chìm hết nỗi khắc khoải trong thảng thốt vĩnh viễn xuống tận đáy sông.

*

Phải chi bé Hoà là con ruột của Quân thì sự gắn kết của số phận được coi như ván cờ của tạo hoá cố tình vây bủa, trêu ghẹo cuộc đời Hiền ! nhưng bé Hoà chỉ là con nuôi của Quân- Anh không thể lập gia đình, bố ruột bé Hoà là đồng đội của Quân đã hy sinh trên tay anh sau một trận truy kích bên K. Mẹ Hoà cũng đã đi xa sau cơn bạo bệnh, Quân nuôi Hoà từ khi nó lên bốn tuổi đến nay đã tốt nghiệp đại học, lại sắp làm dâu nhà Hiền. Ngày đầu tiên cậu con trai Hiền đến thăm nhà "bố vợ" Quân cảm thấy ngờ ngợ như đã gặp cậu ta ở đâu đó, rồi hai bác cháu cứ nói chuyện như thân nhau từ lâu lắm !  con bé Hoà thì đắc chí thán phục tài nghệ của người yêu đã vượt qua "Ông Khốt" một cách dễ dàng. Con trai gì mà giống mẹ từ đôi mắt đến nụ cười, có lẽ do vậy mà Quân như tiếp cận được con sóng dậy lên từ cõi vô thức xa xăm đã in hằn, đã ngũ quên trong trái tim giá lạnh của anh, câu chuyện rôm rả giữa hai thế hệ, không đầu không cuối cứ nối tiếp nhau nhưng rồi cả hai cũng không nhớ mình đã nói những gì ! Cứ thế, hễ tới chủ nhật là Quân lại trông ngóng chàng trai đến nhà, rồi từ chỗ thích thú đến say mê, chàng trai cảm thấy như có trách nhiệm phải ghi lại hết những chuyện kể đứt quãng về quảng đời niên thiếu cho đến những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ở chiến trường, rồi những năm tháng cô đơn bên cạnh bé Hoà...Bằng giác quan của một nhà báo, anh biết được giá trị của kho tư liệu sống mà mình đang may mắn tiếp cận, duy có điều anh không hề biết là một phần cuộc đời của mẹ anh cũng có trong những trang ghi chép ấy, anh cũng không hề hay biết hình ảnh "Ông Khốt" rất đỗi kính yêu và thân thiết của anh vẫn còn nằm đâu đó trong tận cõi lòng sâu thẳm của mẹ mình.

Đến bây giờ thì Hiền đã hiểu tất cả mọi chuyện, nhưng chỉ còn biết chôn chặt niềm thương cảm, xót xa cho một số phận đã gắn với đời mình bằng giọt nước mắt đã khô của một người đàn bà giữa lúc xế chiều. Cũng vào một chiều mưa tháng bảy, trong ngôi nhà vắng lặng, nhìn đứa con dâu ngoan hiền, xinh đẹp đang ngập tràn trong hạnh phúc với một tương lai xán lạn đang chờ, Hiền mở một nụ cười mãn nguyện - niềm hạnh phúc đã có được từ nỗi đau, những mất mát được chắt chiu bằng tấm lòng dang rộng, mãi được san sẻ công bằng theo chiều quay của tạo hoá nhiệm màu.

Tam Kỳ, 6.2009

link đăng:  http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/truyen-ngan/200906/Noi-dau-hanh-phuc-70729/


NƯỚC SÔNG YÊN

                                              
         Nắng đã tắt sau dãy Sơn Gà, những tia phản chiếu cuối cùng trên bầu trời không một gợn mây nhường chỗ cho bóng nhập nhoạng của trời đêm, cái nóng hầm hập tiết gió Nam vẫn còn lảng vảng như nén khoảng không gian bụi bặm của trời chiều lại làm thị trấn thêm oi bức. Dưới cầu, nước sông đỏ ngầu, cạn kiệt lặng lẽ trôi chậm chạp như cố nói lời tạm biệt chẳng thành câu với cồn cát trống vắng, trơ trọi giữa dòng. 

Khoảng mươi năm lại đây, khi cái khí thế háo hức về giấc mơ đổi đời từ tài nguyên rừng đầu nguồn được hâm nóng rồi trở thành cơn lốc không thể cản nổi… thì dòng sông như không còn nguyên vẹn như cái tên vốn đỗi hiền lành của nó.

Dòng nước xanh biếc của trưa hè, tiếng sóng vỗ ì oạp bên đôi bờ của con sông như dải lụa sáng đầy đặn dưới ánh trăng … nay chỉ còn là ký ức xa xôi.
 
Cả bọn tản nhanh ra khỏi đám đông ồn ào giữa phố chợ rồi tấp vào dãy quán bia dã chiến dựng tạm bợ bên kia cầu để giải nhiệt, nói dã chiến là vì khoảnh đất này sẽ nhanh chóng biến thành sông trong mùa mưa lũ. Bốn thằng bạn chớm tuổi ngũ tuần gặp lại sau nhiều năm xa cách một cách tình cờ cạnh con sông quê hương, nơi có những kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời “thò lõ mũi xanh” dưới tầm đạn của chiến tranh khốc liệt. Ngước chếch tầm nhìn sang trái vài chục mét, cầu Ái Nghĩa ba nhịp vững chãi dưới ánh neon đỏ chói về đêm, nơi đây có lần bốn thằng học trò ngu ngốc cùng trốn học đi xem… pháo kích, từ đầu cầu phía đông có thể nhìn thấy những quả đạn dài ngoằng, trắng lóa dưới nắng bắn từ khe An Định trên dãy Sơn Gà chúi xuống nổ tung trên trại lính Ái Nghĩa, những cột khói đen kịt hòa trong bụi đỏ quạch của đất sét cuốn lên không trung, rồi những đám cháy bốc cao, những nòng pháo bắn trả rung lên chát chúa dưới làn thuốc súng trắng đục mịt mù… Xem chán rồi cả bọn ù té ra sông tắm giổng, trổ tài đuổi bắt đến tận giữa sông. Lũ trẻ chúng tôi cứ thế lớn lên bên bờ sông này, ngày ngày vẫn đến trường, ngoài kia hằng đêm súng vẫn nổ đì đùng loạn xạ, đạn pháo xé gió gầm thét xuyên thủng trời chiều, còn con sông Yên vẫn vô tư, êm đềm uốn mình điềm nhiên với dòng xanh biếc, thong thả trôi về cửa Hàn.

Như một điều rong ruổi, bốn người đã từng đi theo các hướng khác nhau trong thời trai trẻ của mình nay gặp lại thì anh nào cũng có cái nghề gắn với sông nước, ruộng đồng. Ngày còn đi học, cả bọn còn quá trẻ để nói đến tương lai, mơ ước nhưng có lẽ trong tận đáy lòng ai cũng muốn thoát ra cảnh ruộng vườn với nỗi cơ cực lưu cửu. Song đây là cuộc hóa kiếp khó khăn, bất thành cho cả bốn đứa như một định mệnh cho những kẻ đã trót dính với nước sông Yên từ thuở thiếu thời. Huỳnh là anh cả, học nông lâm nay vẫn còn cái chân chủ tịch Hội nông dân, cao khều, đen nhẻm luôn tất bật với đống chính sách đường lối cho miệt vườn. Viễn học bên xây dựng làm cán bộ nhà máy cấp nước một thành phố lớn, có điệu bộ khẩn trương của một anh thị dân điển hình, bị cận nặng nên có biệt danh Viễn bốn tròng. Xuân mập, tên người Quảng dáng nâu chính hiệu và là tay bơi cự phách, dáng bệ vệ đang làm cán bộ cho một đại công trình thủy nông, còn gọi là Xuân AK vì nghe đâu hồi anh ta còn ở bộ đội, có lần bị một thằng Miên xả trọn một băng AK trong trận địa phục kích của chúng mà vẫn sống nhăn răng, tính thẳng ruột ngựa, chất lính tráng thấm đến tận tim gan.

Câu chuyện hàn huyên bên bờ sông kỷ niệm đứt quãng, bất giác có người lặng lẽ nhìn xuống dòng nước lượn lờ dưới ánh sáng hắt xuống từ dãy đèn trên cầu, trầm ngâm nhớ tiếng khua thuyền đuổi cá đêm, nhớ những ngày thanh bình đầu tiên trên quê hương, ngày ngày học trò vùng B vượt sông về phố huyện sách đèn… Ôi Vu Gia - dòng sông đẹp, trong ký ức của bao thế hệ người Đại Lộc, Vu Gia như là biểu tượng của cội nguồn, của quê mẹ, của nơi chốn nhau cắt rốn trong mỗi người, để nhớ thương và chiêm nghiệm. Vu Gia cuồn cuộn mùa nước lũ, mang nặng phù sa về bồi đắp cho đôi bờ phì nhiêu để cho nương dâu ven sông xanh mởn, những bãi dưa bát ngát mãi ngọt ngào, biền bắp trải dài tít tắp luôn trổ cờ mùa tháng ba. Vu Gia chảy vào sông Yên xuôi về thành Đà, dòng sông như êm hẳn lại để những cây cầu được bắc qua giữa đôi bờ, rồi như vẫn còn luyến tiếc muốn làm trọn cuộc nhân duyên tiền kiếp cùng với những phận số tay lấm chân bùn trước khi hòa vào lòng biển khơi xanh thẳm, dòng nước theo những bờ kênh tiếp tục chảy vào những cánh đồng, thấm vào tận lòng đất nứt nẻ vì khô hạn để cho hai mùa lúa vẫn tốt tươi, trĩu hạt. 

Còn nhớ hồi đi học, có lần cả bọn kéo lên nhà Xuân sát bên bờ sông Yên. Dưới lũy tre làng sát mép nước là cỗ máy múc nước to tướng bằng tre, chậm chạp, kẽo kẹt quay theo dòng nước sông. Hàng trăm gàu nước bé nhỏ, đong đầy liên tục đổ vào máng xối, cứ thế hết ngày này sang tháng khác, nước nươm bờ ruộng, lũ cá đồng mắn đẻ thành đàn làm bữa cơm nhà quê thêm mùi sau vụ gặt. Sau này tôi mới biết đó là xe nước, công cụ “dẫn thủy nhập điền” không biết có từ bao giờ, đây là cái xe nước dân làng làm ra để tưới cho mấy chục mẫu ruộng lúa trong thời chiến tranh, cái khái niệm “dẫn thuỷ nhập điền” đầu tiên của tôi là vậy, là vật chứng sinh động đầy sáng tạo của loài người kiến tạo nên nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa.

Huệ, vợ Viễn nhanh nhẹn bày trên bàn nhậu món cá mòi nướng chấm muối tiêu, cô theo chồng về quê mỗi tuần. Mẹ anh tuy đã già nhưng chỉ quen sống một mình trong căn nhà nhỏ khang trang tại thị trấn này, xưa kia hằng ngày bà theo những chuyến xe đò tần tảo tận chợ Túy Loan buôn cá mòi xanh về Ái Nghĩa, thỉnh thoảng gọi bọn tôi sang cùng Viễn chén món cá mòi chiên giòn chấm mắm gừng cay thơm lừng, rồi bà chậm rãi giải thích:

- Giống cá ni ngon ai cũng biết, nó sống tận khúc sông dưới gần đập An Trạch bên tê núi Bồ Bồ lận, cá lội ngược dòng từ cửa Hàn về đây sinh sản vô kể. Từ đây xuống đó đi ca nô được, lớn lên mấy đứa bay cũng phải đi đây đó cho biết quê hương đất Quảng nó nối liền nhau bằng những khúc sông. 

Cây mai vàng trước nhà nay đã thành cổ thụ vẫn còn đó, bao năm vẫn đơm hoa đều cùng bà mẹ cô đơn chờ cậu chủ mỗi độ xuân sang. Ra trường, Viễn lang bạt khắp các công trường của mọi miền đất nước rồi mới chịu về thành, ngày cưới của anh trông chú rể lụ khụ dìu cô vợ kém mình gần hai mươi tuổi ra hôn trường, bọn tôi khấp khởi mừng cho bạn, một hạnh phúc trễ tràng rồi cũng đến với anh chàng hào hoa kém may mắn với tình trường. Huệ sắc sảo, thông minh lại có bằng thạc sĩ môi trường, làm việc ở thành phố. 

Hớp hết cốc bia thứ hai, Viễn mở đầu câu chuyện phiếm:

Nước sông Yên là nguồn chính đổ về phía Đà Nẵng bỗng dưng cạn kiệt làm nước biển ngược lên nhiễm mặn đến tận chân cầu, chỉ có bọn cá mòi, cá chiên là được dịp tung hoành.

- Đã thế nghe đâu dọc sông Yên hàng chục trạm bơm ngày đêm mở hết công suất chống hạn cho khắp Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang - Huỳnh chen vào. Nông vụ tấn thời mà, bơm nước cứu lúa bằng mọi giá, làm sao tránh được cái đói giáp hạt triền miên dai dẳng bao đời của mấy vạn dân đang đứng trước nguy cơ mất mùa vì hạn hán khắc nghiệt kéo dài được.

Rót xong lượt bia thứ ba, Huệ ngồi xuống vui vẻ góp chuyện:

- Họa vô đơn chí, rừng đầu nguồn Vu Gia đang bị đào bới không thương tiếc trong cơn khát vàng sa khoáng cộng với nạn phá rừng ồ ạt khắp nơi, nước các sông về xuôi đỏ ngầu, mùa lũ nước chảy xiết, mùa khô lại kiệt cạn. Mới đây trong nhiều cơn lũ lớn liên tiếp, chi lưu sông Vu Gia chảy về Thu Bồn ở phía nam đổ toạc, nước chuyển dòng với lưu lượng cực lớn làm sông Yên lâm cảnh trơ dòng.

Vốn là người ít nói, nãy giờ Xuân mập ngồi im re nhâm nhi món khoái khẩu, lúc này như bắt được đài, anh tằng hắng, giọng trịnh trọng, vĩ mô:

- Nước sông Yên như yếu tố sống còn không những với cả vùng lúa nước nuôi sống hàng chục vạn dân hai bên bờ lưu vực mà là nguồn nước ăn quan trọng cho một thành phố cả triệu dân. Hình như Chính phủ đã có kế hoạch chỉnh trị nó bằng cách xây một đập lớn chắn ngang chi lưu Quảng Huế để dồn hết nước Vu Gia về sông Yên trong mùa khô, nay mai sẽ chấm dứt được tình trạng thiếu nước trầm kha như hiện nay. Sông Quảng Huế có khi không cần nữa, bây giờ điện đã về tận xóm thôn, dân Đại An dư sức dùng điện bơm nước ngầm tưới vùng đất màu ven sông quanh năm.

- Nhìn nhánh sông Yên từ cầu Bồ Bồ không ai khỏi chạnh lòng khi thấy dòng sông như ngừng chảy, trông nó giống cái bàu nước giữa làng quá - Tôi đồng tình họa thêm - dù sao vùng đất nằm gần lưu vực đầu nguồn cũng thuận lợi hơn, các kênh tưới nay đều đang ọc nước.

Nhớ lại trong cái khó khăn chồng chất của những ngày đầu sau chiến tranh, cả một vùng quê trơ trụi, tiêu điều. Nam phụ lão ấu hòa trong không khí sôi sục hàn gắn vết thương quê hương ngày đêm quyết đưa được dòng nước sông Yên về cả vùng đất phía đông thị trấn bằng cách đắp hàng chục cây số kênh mương bằng sức người với công cụ thủ công. Dưới nắng rát, mưa dầm, những đội “vác đất” nổi tiếng từ Hà Nam Ninh vào chi viện… Con kênh phụ uốn cong qua nhiều làng mạc chạy đến tận một vùng châu thổ sát sông cái Thu Bồn. Dọc bờ sông Yên đoạn Ái Nghĩa, hàng chục máy bơm dầu ngày đêm cần mẫn hút nước về ngập đầy đồng ruộng, tuyến điện cao thế vô tình hay hữu ý chạy từ Đà Nẵng sang La Tháp cũng kịp tạt ngang phía hữu ngạn sông Yên làm nên trạm bơm Ái Nghĩa. Ngày ấy bọn tôi trố mắt kinh ngạc nhìn một trạm bơm không khói ào ào đổ nước vào dòng kênh thẳng tắp như con sông nhỏ tái sinh cao hơn mặt ruộng vài ba mét, bờ kênh trở thành đường liên thôn, liên xã. Dòng nước trong xanh tuôn trào, như mạch huyết quản tỏa khắp những cánh đồng hai, ba vụ lúa.

Sau phút trầm ngâm với những suy tư, Huỳnh tiếp tục với câu chuyện nước non ruộng đồng một cách hăng hái:

- Nhưng cho tới nay về cơ bản người nông dân dọc sông Yên khá yên tâm về khâu nước non trên đồng ruộng của mình, hệ thống bơm tưới tiêu nước được xây dựng, vận hành có kết quả.

Mới đây một số nơi người dân không còn trả tiền tưới ruộng như xưa nữa, khoản đó tuy không lớn trong cơ cấu thu nhập một hộ gia đình nhưng thể hiện một chính sách lớn để công tác thủy nông được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn. 

Như bị chạm nọc, Xuân mập to mồm:

- Mỗi năm Nhà nước chi ra hàng chục tỷ bạc cho công chuyện tưới nước của nhà nông cả tỉnh chứ chẳng chơi, cũng may là trước đây một số hồ chứa nước lớn đã kịp xây dựng tích được hàng tỉ khối nước trên các cao trình lý tưởng để điều tiết tưới và chống hạn. Các ông cứ nghĩ nếu không có hồ chứa Khe Tân, làm sao đánh thức cả một vùng B trù phú bên dòng Vu Gia ngày càng cạn kiệt. Quan trọng là có cả một lực lượng cán bộ được đào tạo, tổ chức thành đơn vị chịu trách nhiệm vận hành các trạm bơm, dẫn nước đến tận ruộng lúa của dân, được Nhà nước trả lương hẳn hoi để làm nhiệm vụ. Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng máy móc, phát dọn, sửa chữa nâng cấp kênh mương được tiến hành hằng năm với một số kinh phí không nhỏ…

- Nhà máy nước Ái Nghĩa dư sức đáp ứng nhu cầu nước sạch cho thị trấn và vùng phụ cận - Viễn ngước đôi kính cận lên một cách thông thái chuyển hướng câu chuyện - Nhưng hình như dân ở đây thích dùng nước ngầm hơn do họ ngại những đe dọa tiềm tàng trôi về từ các bãi vàng thượng nguồn. Người Đà Nẵng cũng đang manh nha cho một dự án cấp nước theo kiểu Phú Ninh từ một hồ chứa nào đó trên vùng núi phía tây thành phố. Người ta định dẫn nước từ ba-ra An Trạch về chi viện cho Cầu Đỏ song phương án đó hóa ra chỉ là cái vòng luẩn quẩn quanh con sông Yên cần được nhanh chóng khơi dòng.

Trời vào khuya, làn hơi nước hiếm hoi cũng kịp bốc lên từ dòng sông làm dịu đi đôi chút cái nóng khô khốc bám theo cơn gió nam thổi như quạt lửa về đêm. Cả bọn vẫn tỉnh như sáo trong hơi men hội ngộ làm câu chuyện thêm thú vị. Có lẽ tiềm thức mỗi người đang lay động xen lẫn giày vò bởi những đắng cay cóp nhặt trên đường tha phương và vinh quang lóe sáng ngắn ngủi không đắp nỗi khát vọng thanh xuân như con nước đang chập chờn trên con sông thời niên thiếu, có lúc muốn dâng tràn lên mọi thứ bến bờ, lúc âm thầm rả rích bên cồn cát vắng lẻ loi. Nay chỉ còn lại cố hương, không phải là chốn ghé qua cho những hoài niệm, cho một chút dĩ vãng được sống lại để chứng kiến những biến đổi cuộc đời, để gặp lại những số phận quẩn quanh trong vòng cương tỏa tựa dòng nước vô tình đang miễn cưỡng xuôi dòng hay để gặm nhấm cái quá khứ xa xôi đã vèo qua năm tháng trong vòng tuần hoàn muôn đời của tạo hóa, vốn là chiếc nôi cho mọi thứ khắc nghiệt trên cõi đời.

Tôi chia sẻ với nỗi băn khoăn của bè bạn. Câu chuyện bây giờ không còn là cảm xúc cho một dòng sông quê hương với bao kỷ niệm êm đềm thời niên thiếu nữa mà là cái lo cho các thế hệ mai sau đang lớn lên bên hai bờ sông Yên. Cuộc sống bây giờ đầy đủ hơn xưa nhiều lắm nhưng thật là khó, bài toán không còn nằm trong phạm vi của cơm áo gạo tiền thường tình mà còn phải tính đến hành trình vượt vũ môn cho tương lai trong từng phân khối không khí hít thở hằng ngày, từng giọt nước cho từng cơ thể sống, trên từng vuông đất cắm dùi cho mỗi đời người. “Nước sông, công lính”, câu nói cửa miệng có từ bao đời có quá bàng quan hết thảy với món quà ngẫu nhiên mà thiên nhiên đã ưu ái ? Nhưng có lẽ mọi thứ xem ra phải được sắp xếp theo trình tự logic của vạn vật đang vận động, bởi lẽ trong cái tốc độ phát triển làm cho cơn thỏa mãn vật chất được sung đầy, có ai đoán được ẩn chứa đằng sau nó những tai họa khôn lường. Nói thật lòng, hơn mười mấy năm lưu lạc khắp nơi, đã có lúc tôi muốn dắt cậu con trai mình về quê để cháu được bơi một lần trên dòng sông quê mẹ trong một chiều nắng vàng, để cháu được mặc sức quẫy đạp, sặc sụa dòng nước ngọt trong xanh trên con sông Yên đầy ắp kỷ niệm thời ấu thơ của bố, được thấy đồi Ái Nghĩa in hình trên bóng nước, để được in dấu đôi chân trần trên bãi cát vàng lạo xạo, để được một lần nghe tiếng ca nô rẽ nước ngược dòng, xô những đợt sóng lăn tăn về phía chân cầu.

… Xin khất lại với dòng sông quê hương món nợ ân tình không biết bao giờ trả được.

Ái Nghĩa, tháng 4.2009

NGƯỜI ĐƯỢC VIỆC

                                                                                    
          Sáng hôm đó hắn không ghé vô quán cà phê cóc phía trước cơ quan như thường lệ để xởi lởi dăm câu ba sợi với đồng nghiệp theo kiểu giao ban mở rộng “chào buổi sáng”. Sếp hắn, một lão đầu hói mập ú, cập kê tuổi về vườn, mặt thớt, tóc hoa râm xoăn tít ngồi bắt chân chữ ngũ giữa quán, mắt dõi trên đường như đang chờ hắn. Chiều hôm qua, hắn vừa bị lão nện cho một trận nên thân. Chẳng ai buồn để ý lão quát chuyện gì bởi nạt nộ quát tháo vốn dĩ là căn bệnh kinh niên, thâm căn cố đế của lão. Mẹ kiếp, chỉ tại cái cục alô, giá như lúc đó cái điện thoại trong túi quần đột ngột hết pin hay gặp một sự cố đại loại như vậy thì cơ sự đâu đến nỗi này, hắn lẩm bẩm một mình...
    
          Hắn khệnh khạng bước trên bậc thềm đá hoa cương trơn tuột, nặng nề lê gót giày đã mòn nhẵn lên cầu thang như kẻ mộng du rồi luống cuống mở khóa phòng làm việc. Có tiếng mở cửa bên phòng sếp, cánh cửa đánh ầm làm hắn giật mình, như để trấn an hắn thò tay bấm công tắc máy tính, điện cúp - điềm gở chăng? Hắn móc điện thoại gọi tay văn phòng đang ngồi hóng chuyện dưới quán cà phê nhưng cái của nợ ấy chỉ còn để nghe đã hơn nửa tháng rồi. Chao ôi, chỉ một cái thẻ điện thoại chừng trăm rưỡi bạc mà hắn phải đành bấm bụng !  
         Ở cơ quan, hắn làm công việc của một thằng đầu chày đít thớt chính hiệu, hứng chịu mọi sự sai bảo, bắt bẻ đủ kiểu. Đáp trả, hắn chỉ đưa hàm răng vàng ố ám đầy khói thuốc ra cười lấy lệ rồi cuốn vào cái cỗ máy hì hục, tất bật, khẩn trương của mớ công việc rồng rắn không đầu không cuối. Lúc mới vào làm, sếp khuyên hắn bằng một giọng ôn tồn đầy đe dọa : “Cậu có bằng cấp thì được rồi nhưng phải chấp hành mệnh lệnh thì mới thăng tiến được”. Hắn nghe sởn gai ốc, có thể đầu óc làng nhàng của hắn không khái quát hết cái hàm ý câu nói ấy của sếp ! Thăng tiến là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của nghề nghiệp, lẽ nào nó lại có dây mơ rễ má với các mệnh lệnh ? Hắn hoang mang. Thực ra hắn đơn giản hơn nhiều so với những thứ rắc rối ấy vì hắn đang sống chỉ bằng chính cái cuộc đời làm công ăn lương nhọc nhằn của mình. Hắn không muốn làm ai phật ý và nếu có làm trái ý một ai đó thì cũng chẳng phải vì lợi lộc gì cho hắn hết, cái chất riêng đang chảy ào trong con người hắn là vậy, cho nên hằng ngày nhìn đám đồng nghiệp co rúm trong cơn lên đồng dậm dựt của lão sếp già mồm hắn đâm ra nghi ngờ, trong hắn lại ngấm ngầm sự thương hại lẫn một thứ tình cảm khinh miệt nhừa nhựa. Hai mươi năm lăn lộn với công ty này, hắn nhớ lại từng việc trong ký ức chuỗi sự kiện dài vây lấy cái số phận ngang trái và tội tình của mình, hắn như kẻ đứng chông chênh trong đám đông đang chờ chực, đã chẳng làm nên cơm cháo gì mà còn trở thành chỗ trút cho mọi nỗi hờn giận, ghen tức, tị hiềm và cả những trò chơi ma mãnh cay độc.
 Sếp hắn xô cửa bước vào phòng, một hành vi hiếm có báo hiệu điều chẳng lành. Thường thì lão chỉ việc nháy máy di động, theo quy ước thì đám bộ hạ lập tức ào lên phòng để nghe lão nói, để dạ dạ vâng vâng rồi thực hiện mọi thứ mệnh lệnh, dù là mệnh lệnh kỳ quặc, quái gở... Đồng nghiệp ái ngại nhìn hắn, có người cố giấu đi niềm thương cảm cho một sự kiện dự kiến, có người chỉ im lặng đón chờ, có người nhếch mép cười bí hiểm... Ông vung tay hùng hồn phân tích, chứng minh, rồi đảo mắt vào từng người bằng tia nhìn của kẻ có thực quyền, như muốn bao trùm lên, muốn đặt cái sức mạnh ghê gớm sẵn sàng kéo đổ mọi thứ, đè bẹp mọi ý chí muốn đi ngược lại lời ông, như muốn lùa những kẻ đang nhận tiền công hằng tháng của ông như một bầy cừu. Cuối cùng, ông ta hỏi như quát: 

- Tôi nói vậy đúng không ?
... Im lặng.
- Tôi nói vậy đúng không, Hoàng ?
- Dạ, thưa anh nói chí phải- Hoàng lí nhí.
- Tôi nói vậy đúng không, Vinh ?
- Thưa, anh nói đúng quá, đúng quá chứ lị.

- Anh rất… đúng ạ!

Số còn lại đáp the thé trong cổ họng.

 Thế mà hắn lại cười, nụ cười méo mó, xộc xệch chưa từng thấy. Lão giám đốc bỏ ra ngoài, cả bọn khịt mũi nhìn theo.

 ... Ngày hôm sau, hắn viết bản kiểm điểm dài ba trang với bốn lần chỉnh lại bố cục cộng với hai lần đọc thử cho lão nghe. Hắn thừa nhận không chối cãi hành vi lỗi lầm, chịu trách nhiệm hết mọi hậu quả. Hắn trở thành tên tội đồ trên mực đen giấy trắng.
 Hắn mắc lỗi gì mà ghê gớm vậy, không ai biết rõ ràng. Theo lời tường thuật của hắn có ba cô tiếp viên làm chứng, không gian sự cố nghiêm trọng đó nằm trên cái bàn nhậu chưa đầy hai mét vuông cùng bốn vị khách oai vệ không biết từ đâu đến, vào thời điểm đất trời đang cơn thịnh nộ tiết tháng mười, rơi đúng lúc mà vị thổ địa linh thiêng nhà hắn không chở che nỗi cho cơn sốt 40 độ có dư của thằng con trai năm tuổi của hắn. Đường phố ngập nước, mưa quất từng đợt ào ào trút xuống. Hắn bì bõm trên phố dắt chiếc xe thổ tả chết máy ngược dòng nước lềnh bềnh đầy rác rưởi đi mua thuốc cho con, chợt chuông điện thoại rung liên hồi, đầu dây bên kia giọng sếp hắn khẩn cấp, đầy uy lực:
 - Tới nhà hàng Viking ngay.
 Lạy trời, hắn bỗng rơi vào tình thế nan giải ! Thằng cu con đang sốt mê man giữa đêm dông tố - hắn biết, bà vợ ốm yếu của hắn biết chứ sếp hắn đâu cần biết ! Ông ta chỉ biết hắn đang là đứa bộ hạ đang nhận lệnh, là thằng uống rượu như hủ chìm, cái khả năng bẩm sinh trời phú đó trở thành lợi hại cho những cuộc tiếp tân, bàn tính mưu mẹo làm ăn. Ông ta chỉ cần cái hủ chìm của hắn, lâu nay vẫn vậy và hắn chấp nhận cuộc chơi một cách mặc nhiên không bận tâm, suy tính dù cho sau đó hắn đã từng bắt gặp ánh mắt khinh khỉnh của lão, ánh mắt của kẻ ban ơn. Có lần lão phun một bãi nước bọt trước mặt hắn rồi sổ toẹt: “Cái ngữ như mày mà được ngồi chung bàn nhậu với các vị tai to mặt lớn ấy là phúc lắm rồi đó, con ạ”.    
       - Thưa anh, cháu nhà em đang sốt cao, trời mưa quá, cho em xin...
- Đã có bác sĩ lo, mày ở nhà làm đếch gì được… Có đến không thì bảo? Lão cắt ngang rồi nói như quát vào điện thoại. 
           - Dạ. 
 Hắn đáp như một cái máy. Không riêng gì hắn, gần mấy trăm con người trong cơ quan hắn đều trả lời lão y chang vậy, tức là cũng phản ứng như một cái máy đã được cài đặt phần mềm dạ dậm tối nghĩa sẵn trên cửa miệng. Họ hàm ơn lão, sợ lão vì nhiều lý do cũng rồng rắn như mớ công việc kia, dù trong số họ không ít người biết tỏng hết cái tính tham lam bẩn thỉu lẫn những trò gái gú bừa bãi của lão. 
 Cho con uống thuốc xong, hắn vội vàng đội mưa chạy đến nhà hàng theo lệnh của sếp để rồi truy lĩnh một lúc gần ba chai bia, phạt thêm hai chai vì tội chậm chân. Hắn trợn mắt nuốt ừng ực cái thứ nước đắng ngắt, cay xè qua cổ họng, vị khách cầm cái thìa inox gõ lên mép đĩa thức ăn theo nhịp lên xuống của cục yết hầu như người nhạc trưởng đang chỉ huy dàn nhạc. Hắn hăng hái bê từng ly lên xin chúc sức khỏe mấy ông khách mới quen, xởi lởi, xun xoe theo kịch bản của sếp, mặt hẳn chuyển từ ngăm đen sang đỏ hồng rồi trắng tai tái. Cứ thế, biệt tài hủ chìm của hắn đang được phát huy, bọn thực khách đối tác đã đến lúc choáng váng hết đường chống đỡ, vòng vo, gian lận rồi bắt đầu to tiếng. Còn hắn, trước mặt các vị khách khả kính, ma đưa quỉ dẫn thế nào lại quên béng đi cái thân phận tôi tớ của mình, dám đứng ngang hàng lý sự với sếp, dám bình phẩm những chuyện đại sự như một chức sắc đầy triển vọng... A ha, thằng chó chết... mày đến đây đâu phải để nói. 
 Cục alô trong túi hắn chợt đổ chuông… Hắn nhấp nhổm nhìn bầu trời đen kịt, lấp loáng con đường nhựa trước mặt như đã thành sông. Hắn lúng búng trong miệng, giọng khẩn khoản: 
- Xin các anh cho em được về trước, con em đang sốt.
- Ba chai nữa về cũng chưa muộn - một giọng vang lên, đanh như thép
Lão sếp trừng mắt:
- Muốn nghỉ việc hả?
- Lính tráng gì bảo không nghe, đuổi quách cho xong ! Một giọng khác chen vào đầy ác ý.
 Hắn đã như con chó đã cụp đuôi chạy theo chủ mọi lúc mọi nơi để chứng minh cho sự tồn tại của mình, để bớt cơn khốn khó cho vợ con hắn và cái triết lý không mấy khó nghĩ này đã được hắn tiếp thu một cách cởi mở, chân thành và thực thi một cách cần mẫn, chăm chỉ... Vậy mà có kẻ không muốn cho hắn làm cái việc tận cùng ấy... Ô hô.. kẻ kích động trong cơn say hoan lạc, đang được đồng loại hầu hạ cung phụng đến tận cùng của chốn ăn chơi trong vòng cương toả của đồng tiền và quyền lực - Đột nhiên hắn đứng phắt dậy gằn giọng:
             - Ông nói câu đó một lần nữa ?
- Dẹp mẹ mày đi, ngồi xuống - Sếp hắn nạt lớn rồi chồm lên ấn vai hắn xuống - lão đã ngấm say và cái động tác lấy lòng khách đó trở thành tai hoạ, cái đầu hói bóng nhầy của lão va phải bộ cùi chỏ xương xẩu của hắn đang vung lên làm lão ngã úp mặt trên bàn, nôn thốc tháo - Ông khách được thể buông một câu gọn lỏn vào một thời điểm ngu ngốc nhất: “Mẹ, đồ khốn”.
 Cái đuôi con chó ngoan ngoãn cách đây mấy phút chợt dựng đứng lên, ánh mắt long lên dữ tợn, miệng há hốc... một con chó đói đang bị tên trộm dồn vào chân tường... Rồi cái gì đến cũng phải đến theo logic của cuộc chơi. Hắn chưa say hẳn, một ý nghĩ võ biền loé lên trong hơi men chếnh choáng, đối với  kẻ đã bét nhè kia, mọi lý lẽ là vô ích. Hắn giơ tay giáng thẳng vào mặt vị khách lắm mồm kia một cái tát nẩy lửa làm gã mất thăng bằng ngã lăn ra sàn. Chiếc bàn nhậu lật úp, chai cốc chạm nhau loảng xoảng cùng tiếng chửi rủa, đe doạ lẫn trong tiếng chó sủa nhặng xị ngoài cửa, tất cả chìm nghỉm trong cơn mưa ngày càng nặng hạt.
 Cuối tuần đó, hội đồng kỷ luật cơ quan họp chóng vánh, hắn đọc kiểm điểm trơn tru không chút phân trần, hôm ấy phát biểu của tay chủ tịch Công đoàn bị át trong tiếng còi hụ của xe chữa cháy nên không ai nghe rõ - một đề nghị sa thải được đưa ra đạt được số phiếu tuyệt đối, người ta kháo nhau lão giám đốc đã chuẩn bị đưa thằng cháu vợ đang thất nghiệp thế chân hắn.
 Cũng may là sau đó hắn không nhận được quyết định sa thải, cũng chẳng thấy thằng cháu vợ nào của lão sếp dẫn xác đến cơ quan. Có tin hắn “sống sót” chỉ trong một tích tắc, một khoảnh khắc mà sếp hắn chợt nhận ra hắn tuy làng nhàng, khó bảo nhưng vô hại và vẫn còn được việc.
 Lão sếp cũ nay đã về hưu, còn hắn vừa được giao chân phó phòng phụ trách khách hàng, bạn bè hắn mất năm lít Bàu Đá, nữa cân mực khô và bốn giờ đồng hồ để mừng cho sự thăng tiến của hắn.
              Hắn chỉ cảm ơn rồi cười.

                                                                     Tam Kỳ, tháng 6.2008


BẢN SONATA MÙA XUÂN

                                                                                                           
Chiếc xe chồm lên do thắng gấp làm Lê Phương như bị hất ra khỏi ghế ngồi, anh bất giác đưa tay bám lấy thành cabin để giữ thăng bằng, những cú phanh gấp cứ rin rít trên đoạn đường đầy ổ gà trong dòng tấp nập đầy xe cộ chiều ba mươi tết. Chỉ còn mấy giờ nữa thôi là đến giao thừa nhưng cuộc sống vốn hối hả vẫn chưa chịu lắng xuống cho đến phút cuối, anh cùng đồng nghiệp trở về từ công trường sau buổi chia tay bụi bặm cuối năm lúc vừa đổ xong những mẻ bê tông cuối cùng. Như cảm thấy cú phanh có gì đó bất thường xoáy vào linh cảm mình, anh giục lái xe dừng lại rồi nhảy ra khỏi xe. Lê Phương bàng hoàng khựng lại, trước mắt anh một phụ nữ ngã sóng soài trên nền đường chỉ cách chiếc xe mấy bước, anh chỉ kịp thấy cô mấp máy trên môi điều gì đó rồi nhắm nghiền mắt, bất tỉnh. Cú va chạm quá nhanh vào thành xe, đám đông hiếu kỳ hai bên đường xúm quanh chiếc ô tô lấm đầy bùn đất, một vụ tai nạn thường ngày như bao vụ khác, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng với Lê Phương, da anh bỗng tái mét, tay run lên, miệng ú ớ... Không ai biết rằng nạn nhân lại là Ngân... là Ngân không thể nhầm lẫn vào đâu được, người đã từng làm nên một khúc ngoặt của đời anh…
                                                                                ***
        Thời đó, cà phê Thanh Ngân lúc nào cũng đông khách không phải vì hương vị đậm đà khó quên của cái chất đăng đắng dành cho dân phố mỗi sáng, nhưng có lẽ cái nhan sắc thanh tao, quá đỗi mặn mà của cô chủ quán - một thiếu phụ trẻ chưa đầy ba mươi tuổi đã làm cho chất cà phê bỗng dưng có thêm nhiều mùi vị khác  ! Cũng khó tả hết sự quyến rũ đến mức kỳ lạ của người đàn bà đã có một con này. Lê Phương bắt gặp ánh mắt như thôi miên của Ngân lần đầu tiên, một buổi sáng thường lệ, ánh mắt xuyên qua vòng khói thuốc bay lãng đãng như làn sương nhẹ, thỉnh thoảng dừng lại trên khuôn mặt đã sạm đi vì nắng của anh. Rồi cũng kịp mở nhanh một nụ cười đón lấy, thế là quen.  Cũng lần đầu tiên anh bắt gặp người phụ nữ chơi đàn hay đến thế, vào một chiều vắng khách, một đoạn trong bản “Sonata mùa xuân” của Beet. Tràng âm thanh dồn dập trên phím chiếc vĩ cầm len qua khung cửa có ánh nắng chiều bàng bạc phản chiếu trên nền tím ngắt của hoàng hôn cuối đông, Lê Phương rút vội cây bút chì trên túi ngực hí hoáy, nét vẽ có phần nguệch ngoạc hình người con gái có khuôn mặt thanh tú tựa cây đàn trên bờ vai gầy, cánh tay như đang lướt theo giai điệu, đôi mắt mơ màng như chứa một nỗi buồn xa xăm, diệu vợi ...

Mối tình với Ngân bắt đầu như vậy, từ lúc nào anh cũng không nhớ, chỉ biết nỗi nhớ trong anh ngày một lớn dần, những cuộc dạo chơi vô định cùng bạn bè, cà phê Thanh Ngân bao giờ cũng là điểm cuối. “Anh uống chút gì nghe ?”, Ngân đón anh nhiệt thành. Lê Phương không đáp, anh đưa mắt nhìn lên khuôn mặt đã ửng hồng của Ngân, cô châm chọc: “Một tách cà phê đặc cho tỉnh ra vậy ?”. Anh chỉ nhún vai, gật đầu rồi chăm chú nhìn bức họa lập thể trên bức tường đã hoen màu vàng ố như chiêm nghiệm một điều gì đó thật quan trọng. “Hình như bức tranh đã vẽ một nỗi khắc khoải phải không em ? ” - anh nhận xét. “Không, đơn giản hơn, chắc đó chỉ là sự đợi chờ, anh à”, Ngân khẽ khàng, mi mắt nàng như cụp xuống. 

Ba tháng sau lần hẹn hò đầu tiên với Ngân, anh chưa hết sự choáng ngợp đến dại người trong cái nồng nàn đến nghẹt thở của cô. Lê Phương vẫn thường đến quán, ngồi đối diện với bức họa như để nhâm nhi hạnh phúc của mình, để nghe những tràng hợp âm rộn rã của Ngân rung lên không phải từ phím đàn. Anh nghiền ngẫm cái phi lý của trái tim mình, nhưng cũng tự nhủ trái tim làm gì có lý lẽ ? Anh đã yêu không chỉ một lần, với nhiều mối tình không tên như cơn gió thoảng qua, tình trường với anh không quá hẹp nhưng anh lại thấy quá chật vật, loanh quanh dò tìm nửa phần kia của đời mình. Rồi trong mệt mỏi rã rời, anh như đám bụi mong manh đang cuốn vào cơn lốc xoáy có ngọn lửa tình nóng bỏng đang bùng lên của Ngân. Một mối tình với nỗi nhớ mênh mông, chất đầy đam mê với những cung đàn như rót tận đáy con tim trống vắng, làm thức dậy một Lê Phương tài hoa, người đã từng viết lên những bài thơ chơi vơi, buồn bã trong những đêm chỉ có một mình cùng những bản vẽ thi công nhằng nhịt.

 Lê Phương chưa hề giấu cô bất cứ điều gì từ khi đặt lên môi cô cái hôn đầu tiên, trừ cái điều làm anh day dứt không biết nên nói với cô ra sao, nhưng Ngân cũng lờ mờ điều gì đó bất ổn trong anh. “Có thể em là gánh nặng của đời anh, nhưng em không cần gì ngoài anh, chỉ muốn có anh bên cạnh ” - có lần cô thổn thức. Lê Phương không thể thiếu cô, nhưng anh không thể là của cô được, điều không đơn giản đó cũng giống như nỗi đợi chờ của cô nhưng đã rõ mồn một, và anh đã cố đánh lừa mình chỉ để được gần Ngân, anh hiều cần phải khẳng định những giá trị riêng cho mình nhưng lại không dám bước qua lằn ranh cũng chỉ để dành riêng cho anh ! Lê Phương muốn có bên mình những đam mê, nhưng cuộc đời quanh anh không muốn thế, anh không mất thời gian đi lý giải cái khái niệm mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu thời gian và giấy mực để viết lên vì cuối cùng khái niệm ấy cũng chỉ là một cụm từ “tình yêu” tối nghĩa, bởi lẽ đó một mối tình đã có tên, xoắn xuýt, thiết tha không bờ bến, trong ảo vọng mịt mù, trên nền những cung bậc chỉ còn lại có hai người, và họ đã cho nhau tất cả.

Nhưng họ gần nhau chỉ được sáu tháng. Lần cuối cùng trước lúc lên đường, Lê Phương chỉ kịp viết cho Ngân một dòng ngắn ngủi: “Hãy quên và tha thứ cho anh !”.

*
          ... Lê Phương hộc tốc tới bệnh viện. Ngân nằm bất động trên chiếc giường phủ tấm ra trắng đến lạnh người, cô đã tỉnh lại chỉ mươi phút sau cú va chạm rồi thiếp đi. “Ngân ơi, sao tôi phải gặp lại em ở hoàn cảnh này ? ”, Lê Phương bần thần dựa vào cầu thang miên man trong niềm ân hận tột cùng. Phiên trực tối ba mươi tết thật vắng, người hộ lý đang băng lại vết thương cho Ngân, cô bị gãy đùi phải, mặt bầm tím sưng húp… Chỉ có một bé gái chưa đầy mười tuổi đang thút thít bên giường mẹ, không còn ai… “Bố cháu đâu ?”, người trưởng khoa đang làm những thủ tục cho cô hỏi khẽ. Cô bé mếu máo: “Cháu không có bố …” rồi khóc òa. Lê Phương vỗ nhẹ lên mái tóc vàng hoe của bé Hạ rồi lách vô phòng trực như một cái bóng, nhỏ nhẹ với viên bác sĩ: “Tôi là bạn cô ấy…”. Anh ký hết vào các thứ giấy tờ, ca mổ được thực hiện nhanh chóng. Ngoài kia tiếng pháo hoa giao thừa đang nổ đì đùng, những tia sáng muôn màu nối tiếp nhau lóe lên rồi phụt tắt như những hạnh phúc bé nhỏ bên lề cuộc đời. Lê Phương lau mặt cô bé rồi dìu ra hành lang nhìn những chùm pháo hoa tua tủa, sáng rực để cho bé vơi đi những tủi buồn đã vây hãm tuổi ấu thơ đã đánh mất một cách tội tình. Cô bé đâu biết chỉ trước đó mấy năm Lê Phương đã từng bế nó rong chơi, cùng ăn chung món kem Phong Lan mà bé thích dưới gốc ô mai cuối phố, đã từng chung hít bầu không khí ấm cúng trong căn nhà nhỏ cũng vào một chiều ba mươi tết, đã có lần bé tập gọi “bố Phương” trong nụ cười ngất ngây hạnh phúc của mẹ mình.

Vậy mà cuộc chia tay cũng đã đến, đường đột, vội vã. Lê Phương không đủ cam đảm để giải thích với Ngân một lời, dù là lời cay đắng. Anh nhớ lại, không ít người ngạc nhiên khi anh quyết định chuyển công tác về Đ, nơi cách thành phố hơn bốn trăm cây số không một bóng bạn bè thân thuộc, là chỉ để xa Ngân, để dần quên nỗi khắc khoải vô định của một mối tình nồng nàn, để trả lại cho Ngân sự yên bình. Biết đâu hạnh phúc thật sự sẽ đến với cô vào một ngày khi nỗi đau đã qua, sẽ có được một người đàn ông xứng đáng hơn mình để bé Hạ được gọi là bố bằng cả tình yêu lẫn sự kính trọng chân thành.

Nhưng Lê Phương đã nhầm, làm sao một người đàn bà đã hai lần yêu trong đổ vỡ, tuyệt vọng còn lòng tin nào vào cuộc đời vốn nhiều ngang trái và nếu như tình yêu như là cái gì dễ thay thế thì loài người lấy gì để ngợi ca trong những tình khúc đã đi mãi với thời gian, một nhan sắc tuyệt trần chắc gì đã là giấy thông hành để đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong chốn tình trường mênh mông đầy bất trắc. Ngân của anh lại tinh tế, nhạy cảm và thông minh làm sao trở thành dễ dãi, tầm thường để đi tìm kiếm sự yên bình như anh đã tưởng! Lê Phương cũng không thể ngờ mẹ con Ngân đã có một chuyến đi không trở lại cái thành phố ắp đầy kỷ niệm đắng cay của mình, không biết có phải chỉ để gặp lại anh ở một phương trời nào đó mà cô chưa hề biết ?

Đêm giao thừa quá dài, Lê Phương nhấp nhổm, mắt cay xè. Có lẽ giờ này chỉ còn mình anh thức bên giường bệnh của Ngân, anh nhìn thật lâu lên khuôn mặt của cô, trên nhiều vết thương tím bầm vẫn phảng phất nét đẹp muôn đời thanh tao, quyến rũ và thân thuộc vẫn như ngày qua, ngày kia mới gặp. Người đàn ông mà số phận đã sắp đặt chia tay và hội ngộ với cô chỉ bằng những nỗi đau, đang ngồi bên cô với thấp thỏm lo âu và niềm vui trộn lẫn, ngay nơi phương trời mà mẹ con cô cũng không thể ngờ trước được. Một đêm trong bệnh viện với nạn nhân của mình, chả có gì để nói, nhưng trăn trở trong anh sáu năm về trước tưởng rằng đã quên nay đang sống lại trong từng phút từng giây khi đối diện với hình hài anh đã từng ôm ấp yêu thương một thời... Anh thiếp đi bên cạnh bé Hạ trên chiếc giường trống cạnh Ngân.

… Lê Phương lơ mơ nghe như có tiếng nhạc vẳng từ đâu đó mồn một, đoạn Allegro quen thuộc của bản “Sonata mùa xuân” ngày nào với tiếng vĩ cầm cao vút… Đoạn nhạc đã đi đến cao trào, anh mở mắt choàng tỉnh. Bên anh, Ngân đã thức dậy tự bao giờ, cô cố xoay nghiêng mặt nhìn anh chăm chú, rồi những giọt nước mắt đã trào ra thấm trên lớp băng trắng toát, cô mấp máy đôi môi nói một câu gì đó, anh vùng dậy chạy đến nắm chặt đôi bàn tay gầy rộc của Ngân, căn phòng chỉ có hai người như cách đây mấy năm… Lê Phương chỉ bật được lên không hết một câu “Ngân…”. Không gian trước mặt như bị nén lại, bản nhạc chào xuân từ tòa nhà bên cạnh đã chơi đến đoạn troppo của Sonata, bè dương cầm đệm theo cố đuổi bắt tiếng vĩ cầm mượt mà, trong vắt trong một sáng đầu xuân, đôi mắt Ngân từ từ khép lại, bờ môi mỏng như hé một nụ cười, cô thiếp đi, nhịp thở đều đều phập phồng trên ngực.

 Ngoài kia, những tia nắng xuân đang mơn nhẹ trên khóm lá, chùm lộc non đã đâm chồi qua đêm giao thừa đang nhú lên để đón lấy giọt sương sớm ngày đầu tiên năm mới. Lê Phương lặng đi và cố lắng nghe tiếng nhạc còn đọng lại trong căn phòng trống, gương mặt Ngân phảng phất, nhạt nhòa… Anh như thấy lại cánh tay của Ngân đang kéo chiếc vĩ cầm màu đỏ nhạt, bím tóc đung đưa theo giai điệu đầy khát vọng của ngày nào.

Lê Phương đứng lên phụ cùng người y tá trực thay băng cho Ngân rồi bế bé Hạ vào lòng, anh thay cho bé Hạ bộ quần áo mới rồi chở nó qua những dãy phố dài, nơi  trẻ con đang tung tăng đón tết. Mùa xuân mới lại đến trong anh nhưng nữa phần còn lại của mình anh vẫn chưa tìm thấy. Biết đâu sự run rủi của số phận đã chọn mẹ con Ngân làm điểm cuối cho đời anh như ngày nào, cà phê Thanh Ngân và bản Sonata mùa xuân bất hủ ./.

                                                                                 Cao nguyên, 3.2005
                                        
Đã đăng tại Báo Quảng Nam