Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

CHUYỆN CỦA CHÚ NÓ

CHUYỆN  CỦA CHÚ NÓ

 

                                                                                                        Truyện ngắn

          
           Chú nó, tức em ruột tôi, là tay phớt đời có tiếng nay bỗng dưng lại u uất, nỗi niềm. Chuyện lạ. Tuần trước chú cố mời cho được tôi ra quán vắng trò chuyện, cũng là chuyện lạ chưa từng xảy ra, tôi thương chú vô bờ nhưng không bao giờ ngồi chung bàn với chú. Lâu nay vẫn vậy.

          Té ra là chuyện yêu đương nhăng nhít hồi còn đi học của chú ấy, mấy chục năm rồi. Tôi dẹp ngang “Vẽ chuyện …”  nhưng chú nó lại nằn nì “ Việc này chỉ có anh mới giúp được … ”  Linh cảm như có điều gì không ổn trên cái khuôn mặt bướng bỉnh muôn đời ấy, tôi cũng không nỡ chối từ. Thôi chú nói đi, ngắn gọn nhé. Anh đang bận.
         …
 
              Và đây là câu chuyện của chú nó, đứa em đã từng làm tôi nhiều phen điêu đứng.  
 
            “ Chắc anh biết Tiểu Lan, hồi đó anh cũng từng khen đấy ” Ừ có thật, hai đứa học cùng lớp, mà sao ?  Tôi ngắt ngang. “ Hồi đó, em và Tiểu Lan yêu nhau lắm…”  Hả, nó mà yêu chú à, trời sập cho … ? Tôi kinh ngạc. Nói thật, tôi cũng thấy la lạ vì Tiểu Lan không chỉ xinh xắn mà còn là đứa học giỏi và ngoan, con gái rượu của thầy Khang, bạn đồng liêu với bố tôi một thời. Tiểu Lan đã vào đại học, còn thằng em hư hỏng của tôi thì chẳng có gì ra hồn ngoài cái khuôn mặt điển trai một cách tinh quái chứa đầy chất phá phách, luôn đình đám với những trò ma quỷ của học trò rồi bù khú khối chuyện tào lao vô bổ với đám bạn bợm trợn khắp phố huyện, đến nỗi cái bằng tốt nghiệp trung học cũng phải đánh vật mất hai năm mới lấy được, là đứa có thời niên thiếu phù phiếm nhất trần đời. Nhưng rồi tôi cũng dịu xuống vì thừa biết chuyện trai gái chỉ họa có ma quỷ mới biết tường tận ra sao !
 
          Chú kể tiếp “ Những năm ấy em đi học nghề rồi làm cho tiệm điện tử Vĩnh Thành như anh biết đó, là vì Tiểu Lan. Hồi đó, đời sinh viên khó khăn và buồn tẻ lắm nên có em bên cạnh ở một thành phố xa lạ không có bóng người thân quen, với Tiểu Lan là nguồn động viên và  an ủi lớn, ban đầu cũng xem nhau như anh em thôi nhưng rồi trong mỗi đứa tình cảm lại lớn dần, lớn dần cho đến cuối năm ba của Tiểu Lan…” 
 
             Tôi đoán biết chuyện gì đã xảy ra ở cái mốc năm ba ấy của Tiểu Lan với chú em tôi, quy luật muôn đời mà, làm gì có cái tình anh em giữa trai gái không máu mủ, chả bà con mà lại kè nhau suốt từng ấy năm !  Chà, kể ra chú nó cũng tài thật, suốt ngày cắm đầu lằng nhằng dây nhợ điện đài mà cưa đổ cô sinh viên đẹp như tiên ấy mới lạ chứ ! Nhưng có lẽ là chuyện bồng bột thời trẻ ấy thôi, ai cũng có, lạ gì. Bây giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, làm ăn khấm khá, cuộc sống ổn định đàng hoàng là mừng quá rồi còn gì. “Rồi chia tay, chuyện ấy bình thường có gì đâu ? ” Tôi hỏi ước chừng, muốn sớm kết thúc câu chuyện tưởng như vớ vẩn này.
 
         Chưng hửng nhưng chú nó lại cố tình chèo kéo “Chuyện là tình cờ em gặp lại Tiểu Lan trong công việc làm ăn với Công ty của cô ấy, thỉnh thoảng đi café nói chuyện vặt thôi”. Tôi rụng rời, lại chuyện tình cũ…  như các cụ đã dạy, tốt nhất là đừng nghĩ đến chứ đừng nói gặp mặt. Sao chú dại vậy ? Tôi lên lớp. Chú cố cãi “ Không có gì đâu anh, em hứa chắc với anh mà…” Trời ạ, chú tưởng có thánh thần nào đó đứng ra làm làm chứng cho chú chắc, sao chú không về nhà dắt thím ấy đi café để tha hồ mà chuyện vặt ?  Tôi gắt giọng.
 
         Là tôi nói vậy thôi, chứ làm sao từ chối được dù chỉ một tia nhìn khi những người từng yêu nhau có dịp gặp lại ! Họ còn muốn gặp lại, ngồi hàng giờ với nhau tức là họ đã từng chia tay trong những nhớ thương, tiếc nuối vì hàng mớ lý do ngớ ngẩn nào đó cũng giống lúc mới bén mùi nhau, hình ảnh chắc gì đã phai mờ, rồi chia sẻ, rồi xúc động, rồi  … dần dà như lữa gần rơm, có khi âm ỉ rồi bùng cháy mà chẳng hay. Đã biết bao chuyện tình cũ nhãn tiền với những kết cục buồn thảm mà ngay người trong cuộc cũng không thể lường trước. Đến đây, tôi thật sự hốt hoảng, biết đâu cô cậu có dịp gặp rồi dan díu lại với nhau thì có mà … Lạy trời, tôi như lờ mờ thấy mối hiểm nguy rồ dại nào đó đang rình rập cái tổ ấm yên bình của chú nó mà gia đình tôi đã bỏ bao công sức gầy dựng nên, rồi nghĩ về cô em dâu ngoan hiền, về thầy Khang mà bao giờ tôi cũng kính trọng như bố mình. 
                 
Thôi được, rốt cuộc thì chú cần anh giúp gì trong chuyện này ? Tôi nghiêm khắc.
 
           Trông chú ấy thật thảm hại, khác với cái ngông nghênh, tự phụ vô lối hằng ngày  “ … Là em nhờ anh cứ công nhận với vợ em là cái áo đó là anh tặng em với lý do gì gì đấy tùy anh nói , miễn sao là của anh chứ không phải của Tiểu Lan là xong việc, em nhức đầu quá thể, có lúc không muốn về nhà … Em đã lỡ nói thế với vợ em rồi ” cuối cùng chú ấy cũng bộc bạch, khẩn khoản.
 
Chết thật rồi, từ café vặt đến tặng áo cho nhau, rồi còn gì gì nữa chưa khai ra hết ? Thật quá thể… Tôi không kìm được cơn giận đang ập tới, đứng dậy bước ra khỏi quán không thèm nhìn mặt chú em đang lâm vào cảnh ất ơ, khốn nạn. Vợ chú ấy, tức em dâu tôi vì giận chồng đã bồng con sang nhà mẹ mấy hôm không chịu về nhà, đòi giải thích rõ ràng về cái áo mới đắt tiền mà chú “ đang mặc với vẻ tự mãn đáng ghét …” Rồi đây, cái gia đình đang yên ấm này sẽ rối tinh lên chỉ vì chú em nông nỗi của tôi dính vào chuyện không đâu, lại còn muốn tôi đứng ra bao che cho cái tội trạng đã rành rành ra đấy nữa chứ !
 
             Cô em dâu, vốn là cháu của người bạn vong niên thân thiết của tôi từ thuở thiếu thời nên đối với gia đình nó như đứa em ruột thịt mà mọi người rất yêu mến và nhất mực yêu thương. Nay chỉ vì một chiếc áo lạ, chẳng là gì nhưng có lẽ trong tiềm thức vô cùng mẫn cảm của một người vợ, tình cảm bỗng nhiên như bị thách thức, bị tổn thương, bị sĩ nhục…biết đâu nó được đưa tận tay từ một người phụ nữ nào đó hoặc người đã có thời yêu đương trong quá khứ với chồng mình cũng nên ? Tôi không hề trách thím nó, phụ nữ nào chả ghen tuông, chả tìm cách gìn giử cho bằng được cái tổ ấm hạnh phúc dù cỏn con, rách nát của mình không bị ai nhòm ngó, xâm phạm.
     
         Chú nó mụ mị thật rồi, khi yêu đương lăng nhăng thì anh nào cũng ngây ngô khờ khạo như thằng trai mới lớn là vậy, có lẽ vì thế mà chú nó bỗng lâm vào thế khó xử, chả lẽ nói thật ra hết với vợ, mà không nhận thì sợ bạn gái dỗi hờn. Còn tôi mà đi tặng cho chú một cái áo đắt tiền ấy à, lý do gì mới được chứ ?  Thậm đến quần áo của tôi còn lôi thôi, tuềnh toàng coi chả ra hồn phách gì thì làm sao lại có chuyện lộn ngược vậy, ma nó tin cho hay sao ?  Rồi tôi phải lấy trắng thay đen để lừa thím ấy à, không đời nào !  Tôi thật sự rối bời, thôi chuyện gia đình chú thì tự giải quyết lấy, nhé. Tôi dứt khoát trong suy nghĩ của mình.
 
           Ba ngày trôi qua, nhìn cảnh chú nó phải ngơ ngẩn, vào ra hút vặt, cáu gắt, bỏ cả công việc để đôn đáo năn nỉ thím ấy về nhà nhưng thím chẳng những dứt khoát không chịu tin lại còn gặp vợ tôi lu loa kể tội chú ấy, tôi cũng xót lòng. Tình thế thật khó khăn. “ Anh phải kiếm cách gì giải quyết êm xuôi chứ, thì cứ nghe lời chú ấy cho xong chuyện đi ? ” Vợ tôi giục rồi rỉ tai  “ Có thể thím ấy cũng chả tin thế đâu nhưng chỉ cần anh nói vậy thì thím cũng nguôi ngoai đi, chả lẽ giận chồng có lý do rõ ràng rồi bỗng nhiên hết giận hay sao, chú nó còn coi ra gì nữa !”  rồi tiện thể nguýt luôn “Mà anh cũng liệu hồn đấy”
 
Có lẽ vợ tôi nói đúng, chả còn cách nào khác, là để giử cái danh dự cho anh chồng dại dột đã trót nói dối một cách vụng về trước vợ mình, để thím còn có cách thoát ra khỏi cơn ghen có nguy cơ đổ bể hạnh phúc gia đình, thực ra là để tạm chữa cái đám cháy đang bùng phát dữ dội ấy mà thôi. Có lẽ thím ấy cũng chỉ cần nghe tiếng nói của ông anh cả mới yên lòng, là muốn củng cố lại một chổ dựa tinh thần từ phía nhà chồng. Biết là thế, nhưng tôi cứ mãi đắn đo, nhỡ một ngày nào đó thím ấy phát hiện ra chuyện gì mờ ám của chú nó quanh cái của nợ này  thì ông anh cả chỉ còn muối mặt với thím hay sao,  rồi tôi liệu còn đủ uy tín để chèo lái cái gia đình này nữa không đây ? Chưa kể tới chuyện chú nó được thể, rồi như con ngựa bất kham đã đứt mất dây cương không biết mai đây rồi sẽ ngoặc theo hướng nào ! Chao ôi, tưởng như đơn giản hóa ra lại kéo theo trăm thứ bà chằn. Là chuyện riêng  của gia đình chú nó, nhưng tôi như thấy đầu mình đang bung ra từng mảnh vụn.

Thao thức suốt một đêm miên man suy tính về chuyện chú nó, gần sáng tôi mới chợp được mắt rồi chìm vào cơn mơ kỳ lạ… Tôi mơ thấy mình bỗng sống cô đơn trong một thung lũng nhiều nắng gió và cỏ xanh, đang chăn dắt một bầy cừu lông trắng như tuyết, hát đến lạc giọng những bài ca không còn giai điệu và chỉ thấy lờ mờ trong đêm những tia nhợt nhạt của ánh trăng vàng như cỏ úa…
        
Sáng nay thức dậy sớm đi café một mình. Tôi rút điện thoại gọi chú nó đến cùng, đây lần đầu tiên tôi làm thế khi chú nó sắp tuổi bốn mươi.
 Và có lẽ tôi sẽ luôn làm thế.
                                                                            Tam Kỳ, 8..2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét