Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NƯỚC SÔNG YÊN

                                              
         Nắng đã tắt sau dãy Sơn Gà, những tia phản chiếu cuối cùng trên bầu trời không một gợn mây nhường chỗ cho bóng nhập nhoạng của trời đêm, cái nóng hầm hập tiết gió Nam vẫn còn lảng vảng như nén khoảng không gian bụi bặm của trời chiều lại làm thị trấn thêm oi bức. Dưới cầu, nước sông đỏ ngầu, cạn kiệt lặng lẽ trôi chậm chạp như cố nói lời tạm biệt chẳng thành câu với cồn cát trống vắng, trơ trọi giữa dòng. 

Khoảng mươi năm lại đây, khi cái khí thế háo hức về giấc mơ đổi đời từ tài nguyên rừng đầu nguồn được hâm nóng rồi trở thành cơn lốc không thể cản nổi… thì dòng sông như không còn nguyên vẹn như cái tên vốn đỗi hiền lành của nó.

Dòng nước xanh biếc của trưa hè, tiếng sóng vỗ ì oạp bên đôi bờ của con sông như dải lụa sáng đầy đặn dưới ánh trăng … nay chỉ còn là ký ức xa xôi.
 
Cả bọn tản nhanh ra khỏi đám đông ồn ào giữa phố chợ rồi tấp vào dãy quán bia dã chiến dựng tạm bợ bên kia cầu để giải nhiệt, nói dã chiến là vì khoảnh đất này sẽ nhanh chóng biến thành sông trong mùa mưa lũ. Bốn thằng bạn chớm tuổi ngũ tuần gặp lại sau nhiều năm xa cách một cách tình cờ cạnh con sông quê hương, nơi có những kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời “thò lõ mũi xanh” dưới tầm đạn của chiến tranh khốc liệt. Ngước chếch tầm nhìn sang trái vài chục mét, cầu Ái Nghĩa ba nhịp vững chãi dưới ánh neon đỏ chói về đêm, nơi đây có lần bốn thằng học trò ngu ngốc cùng trốn học đi xem… pháo kích, từ đầu cầu phía đông có thể nhìn thấy những quả đạn dài ngoằng, trắng lóa dưới nắng bắn từ khe An Định trên dãy Sơn Gà chúi xuống nổ tung trên trại lính Ái Nghĩa, những cột khói đen kịt hòa trong bụi đỏ quạch của đất sét cuốn lên không trung, rồi những đám cháy bốc cao, những nòng pháo bắn trả rung lên chát chúa dưới làn thuốc súng trắng đục mịt mù… Xem chán rồi cả bọn ù té ra sông tắm giổng, trổ tài đuổi bắt đến tận giữa sông. Lũ trẻ chúng tôi cứ thế lớn lên bên bờ sông này, ngày ngày vẫn đến trường, ngoài kia hằng đêm súng vẫn nổ đì đùng loạn xạ, đạn pháo xé gió gầm thét xuyên thủng trời chiều, còn con sông Yên vẫn vô tư, êm đềm uốn mình điềm nhiên với dòng xanh biếc, thong thả trôi về cửa Hàn.

Như một điều rong ruổi, bốn người đã từng đi theo các hướng khác nhau trong thời trai trẻ của mình nay gặp lại thì anh nào cũng có cái nghề gắn với sông nước, ruộng đồng. Ngày còn đi học, cả bọn còn quá trẻ để nói đến tương lai, mơ ước nhưng có lẽ trong tận đáy lòng ai cũng muốn thoát ra cảnh ruộng vườn với nỗi cơ cực lưu cửu. Song đây là cuộc hóa kiếp khó khăn, bất thành cho cả bốn đứa như một định mệnh cho những kẻ đã trót dính với nước sông Yên từ thuở thiếu thời. Huỳnh là anh cả, học nông lâm nay vẫn còn cái chân chủ tịch Hội nông dân, cao khều, đen nhẻm luôn tất bật với đống chính sách đường lối cho miệt vườn. Viễn học bên xây dựng làm cán bộ nhà máy cấp nước một thành phố lớn, có điệu bộ khẩn trương của một anh thị dân điển hình, bị cận nặng nên có biệt danh Viễn bốn tròng. Xuân mập, tên người Quảng dáng nâu chính hiệu và là tay bơi cự phách, dáng bệ vệ đang làm cán bộ cho một đại công trình thủy nông, còn gọi là Xuân AK vì nghe đâu hồi anh ta còn ở bộ đội, có lần bị một thằng Miên xả trọn một băng AK trong trận địa phục kích của chúng mà vẫn sống nhăn răng, tính thẳng ruột ngựa, chất lính tráng thấm đến tận tim gan.

Câu chuyện hàn huyên bên bờ sông kỷ niệm đứt quãng, bất giác có người lặng lẽ nhìn xuống dòng nước lượn lờ dưới ánh sáng hắt xuống từ dãy đèn trên cầu, trầm ngâm nhớ tiếng khua thuyền đuổi cá đêm, nhớ những ngày thanh bình đầu tiên trên quê hương, ngày ngày học trò vùng B vượt sông về phố huyện sách đèn… Ôi Vu Gia - dòng sông đẹp, trong ký ức của bao thế hệ người Đại Lộc, Vu Gia như là biểu tượng của cội nguồn, của quê mẹ, của nơi chốn nhau cắt rốn trong mỗi người, để nhớ thương và chiêm nghiệm. Vu Gia cuồn cuộn mùa nước lũ, mang nặng phù sa về bồi đắp cho đôi bờ phì nhiêu để cho nương dâu ven sông xanh mởn, những bãi dưa bát ngát mãi ngọt ngào, biền bắp trải dài tít tắp luôn trổ cờ mùa tháng ba. Vu Gia chảy vào sông Yên xuôi về thành Đà, dòng sông như êm hẳn lại để những cây cầu được bắc qua giữa đôi bờ, rồi như vẫn còn luyến tiếc muốn làm trọn cuộc nhân duyên tiền kiếp cùng với những phận số tay lấm chân bùn trước khi hòa vào lòng biển khơi xanh thẳm, dòng nước theo những bờ kênh tiếp tục chảy vào những cánh đồng, thấm vào tận lòng đất nứt nẻ vì khô hạn để cho hai mùa lúa vẫn tốt tươi, trĩu hạt. 

Còn nhớ hồi đi học, có lần cả bọn kéo lên nhà Xuân sát bên bờ sông Yên. Dưới lũy tre làng sát mép nước là cỗ máy múc nước to tướng bằng tre, chậm chạp, kẽo kẹt quay theo dòng nước sông. Hàng trăm gàu nước bé nhỏ, đong đầy liên tục đổ vào máng xối, cứ thế hết ngày này sang tháng khác, nước nươm bờ ruộng, lũ cá đồng mắn đẻ thành đàn làm bữa cơm nhà quê thêm mùi sau vụ gặt. Sau này tôi mới biết đó là xe nước, công cụ “dẫn thủy nhập điền” không biết có từ bao giờ, đây là cái xe nước dân làng làm ra để tưới cho mấy chục mẫu ruộng lúa trong thời chiến tranh, cái khái niệm “dẫn thuỷ nhập điền” đầu tiên của tôi là vậy, là vật chứng sinh động đầy sáng tạo của loài người kiến tạo nên nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa.

Huệ, vợ Viễn nhanh nhẹn bày trên bàn nhậu món cá mòi nướng chấm muối tiêu, cô theo chồng về quê mỗi tuần. Mẹ anh tuy đã già nhưng chỉ quen sống một mình trong căn nhà nhỏ khang trang tại thị trấn này, xưa kia hằng ngày bà theo những chuyến xe đò tần tảo tận chợ Túy Loan buôn cá mòi xanh về Ái Nghĩa, thỉnh thoảng gọi bọn tôi sang cùng Viễn chén món cá mòi chiên giòn chấm mắm gừng cay thơm lừng, rồi bà chậm rãi giải thích:

- Giống cá ni ngon ai cũng biết, nó sống tận khúc sông dưới gần đập An Trạch bên tê núi Bồ Bồ lận, cá lội ngược dòng từ cửa Hàn về đây sinh sản vô kể. Từ đây xuống đó đi ca nô được, lớn lên mấy đứa bay cũng phải đi đây đó cho biết quê hương đất Quảng nó nối liền nhau bằng những khúc sông. 

Cây mai vàng trước nhà nay đã thành cổ thụ vẫn còn đó, bao năm vẫn đơm hoa đều cùng bà mẹ cô đơn chờ cậu chủ mỗi độ xuân sang. Ra trường, Viễn lang bạt khắp các công trường của mọi miền đất nước rồi mới chịu về thành, ngày cưới của anh trông chú rể lụ khụ dìu cô vợ kém mình gần hai mươi tuổi ra hôn trường, bọn tôi khấp khởi mừng cho bạn, một hạnh phúc trễ tràng rồi cũng đến với anh chàng hào hoa kém may mắn với tình trường. Huệ sắc sảo, thông minh lại có bằng thạc sĩ môi trường, làm việc ở thành phố. 

Hớp hết cốc bia thứ hai, Viễn mở đầu câu chuyện phiếm:

Nước sông Yên là nguồn chính đổ về phía Đà Nẵng bỗng dưng cạn kiệt làm nước biển ngược lên nhiễm mặn đến tận chân cầu, chỉ có bọn cá mòi, cá chiên là được dịp tung hoành.

- Đã thế nghe đâu dọc sông Yên hàng chục trạm bơm ngày đêm mở hết công suất chống hạn cho khắp Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang - Huỳnh chen vào. Nông vụ tấn thời mà, bơm nước cứu lúa bằng mọi giá, làm sao tránh được cái đói giáp hạt triền miên dai dẳng bao đời của mấy vạn dân đang đứng trước nguy cơ mất mùa vì hạn hán khắc nghiệt kéo dài được.

Rót xong lượt bia thứ ba, Huệ ngồi xuống vui vẻ góp chuyện:

- Họa vô đơn chí, rừng đầu nguồn Vu Gia đang bị đào bới không thương tiếc trong cơn khát vàng sa khoáng cộng với nạn phá rừng ồ ạt khắp nơi, nước các sông về xuôi đỏ ngầu, mùa lũ nước chảy xiết, mùa khô lại kiệt cạn. Mới đây trong nhiều cơn lũ lớn liên tiếp, chi lưu sông Vu Gia chảy về Thu Bồn ở phía nam đổ toạc, nước chuyển dòng với lưu lượng cực lớn làm sông Yên lâm cảnh trơ dòng.

Vốn là người ít nói, nãy giờ Xuân mập ngồi im re nhâm nhi món khoái khẩu, lúc này như bắt được đài, anh tằng hắng, giọng trịnh trọng, vĩ mô:

- Nước sông Yên như yếu tố sống còn không những với cả vùng lúa nước nuôi sống hàng chục vạn dân hai bên bờ lưu vực mà là nguồn nước ăn quan trọng cho một thành phố cả triệu dân. Hình như Chính phủ đã có kế hoạch chỉnh trị nó bằng cách xây một đập lớn chắn ngang chi lưu Quảng Huế để dồn hết nước Vu Gia về sông Yên trong mùa khô, nay mai sẽ chấm dứt được tình trạng thiếu nước trầm kha như hiện nay. Sông Quảng Huế có khi không cần nữa, bây giờ điện đã về tận xóm thôn, dân Đại An dư sức dùng điện bơm nước ngầm tưới vùng đất màu ven sông quanh năm.

- Nhìn nhánh sông Yên từ cầu Bồ Bồ không ai khỏi chạnh lòng khi thấy dòng sông như ngừng chảy, trông nó giống cái bàu nước giữa làng quá - Tôi đồng tình họa thêm - dù sao vùng đất nằm gần lưu vực đầu nguồn cũng thuận lợi hơn, các kênh tưới nay đều đang ọc nước.

Nhớ lại trong cái khó khăn chồng chất của những ngày đầu sau chiến tranh, cả một vùng quê trơ trụi, tiêu điều. Nam phụ lão ấu hòa trong không khí sôi sục hàn gắn vết thương quê hương ngày đêm quyết đưa được dòng nước sông Yên về cả vùng đất phía đông thị trấn bằng cách đắp hàng chục cây số kênh mương bằng sức người với công cụ thủ công. Dưới nắng rát, mưa dầm, những đội “vác đất” nổi tiếng từ Hà Nam Ninh vào chi viện… Con kênh phụ uốn cong qua nhiều làng mạc chạy đến tận một vùng châu thổ sát sông cái Thu Bồn. Dọc bờ sông Yên đoạn Ái Nghĩa, hàng chục máy bơm dầu ngày đêm cần mẫn hút nước về ngập đầy đồng ruộng, tuyến điện cao thế vô tình hay hữu ý chạy từ Đà Nẵng sang La Tháp cũng kịp tạt ngang phía hữu ngạn sông Yên làm nên trạm bơm Ái Nghĩa. Ngày ấy bọn tôi trố mắt kinh ngạc nhìn một trạm bơm không khói ào ào đổ nước vào dòng kênh thẳng tắp như con sông nhỏ tái sinh cao hơn mặt ruộng vài ba mét, bờ kênh trở thành đường liên thôn, liên xã. Dòng nước trong xanh tuôn trào, như mạch huyết quản tỏa khắp những cánh đồng hai, ba vụ lúa.

Sau phút trầm ngâm với những suy tư, Huỳnh tiếp tục với câu chuyện nước non ruộng đồng một cách hăng hái:

- Nhưng cho tới nay về cơ bản người nông dân dọc sông Yên khá yên tâm về khâu nước non trên đồng ruộng của mình, hệ thống bơm tưới tiêu nước được xây dựng, vận hành có kết quả.

Mới đây một số nơi người dân không còn trả tiền tưới ruộng như xưa nữa, khoản đó tuy không lớn trong cơ cấu thu nhập một hộ gia đình nhưng thể hiện một chính sách lớn để công tác thủy nông được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn. 

Như bị chạm nọc, Xuân mập to mồm:

- Mỗi năm Nhà nước chi ra hàng chục tỷ bạc cho công chuyện tưới nước của nhà nông cả tỉnh chứ chẳng chơi, cũng may là trước đây một số hồ chứa nước lớn đã kịp xây dựng tích được hàng tỉ khối nước trên các cao trình lý tưởng để điều tiết tưới và chống hạn. Các ông cứ nghĩ nếu không có hồ chứa Khe Tân, làm sao đánh thức cả một vùng B trù phú bên dòng Vu Gia ngày càng cạn kiệt. Quan trọng là có cả một lực lượng cán bộ được đào tạo, tổ chức thành đơn vị chịu trách nhiệm vận hành các trạm bơm, dẫn nước đến tận ruộng lúa của dân, được Nhà nước trả lương hẳn hoi để làm nhiệm vụ. Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng máy móc, phát dọn, sửa chữa nâng cấp kênh mương được tiến hành hằng năm với một số kinh phí không nhỏ…

- Nhà máy nước Ái Nghĩa dư sức đáp ứng nhu cầu nước sạch cho thị trấn và vùng phụ cận - Viễn ngước đôi kính cận lên một cách thông thái chuyển hướng câu chuyện - Nhưng hình như dân ở đây thích dùng nước ngầm hơn do họ ngại những đe dọa tiềm tàng trôi về từ các bãi vàng thượng nguồn. Người Đà Nẵng cũng đang manh nha cho một dự án cấp nước theo kiểu Phú Ninh từ một hồ chứa nào đó trên vùng núi phía tây thành phố. Người ta định dẫn nước từ ba-ra An Trạch về chi viện cho Cầu Đỏ song phương án đó hóa ra chỉ là cái vòng luẩn quẩn quanh con sông Yên cần được nhanh chóng khơi dòng.

Trời vào khuya, làn hơi nước hiếm hoi cũng kịp bốc lên từ dòng sông làm dịu đi đôi chút cái nóng khô khốc bám theo cơn gió nam thổi như quạt lửa về đêm. Cả bọn vẫn tỉnh như sáo trong hơi men hội ngộ làm câu chuyện thêm thú vị. Có lẽ tiềm thức mỗi người đang lay động xen lẫn giày vò bởi những đắng cay cóp nhặt trên đường tha phương và vinh quang lóe sáng ngắn ngủi không đắp nỗi khát vọng thanh xuân như con nước đang chập chờn trên con sông thời niên thiếu, có lúc muốn dâng tràn lên mọi thứ bến bờ, lúc âm thầm rả rích bên cồn cát vắng lẻ loi. Nay chỉ còn lại cố hương, không phải là chốn ghé qua cho những hoài niệm, cho một chút dĩ vãng được sống lại để chứng kiến những biến đổi cuộc đời, để gặp lại những số phận quẩn quanh trong vòng cương tỏa tựa dòng nước vô tình đang miễn cưỡng xuôi dòng hay để gặm nhấm cái quá khứ xa xôi đã vèo qua năm tháng trong vòng tuần hoàn muôn đời của tạo hóa, vốn là chiếc nôi cho mọi thứ khắc nghiệt trên cõi đời.

Tôi chia sẻ với nỗi băn khoăn của bè bạn. Câu chuyện bây giờ không còn là cảm xúc cho một dòng sông quê hương với bao kỷ niệm êm đềm thời niên thiếu nữa mà là cái lo cho các thế hệ mai sau đang lớn lên bên hai bờ sông Yên. Cuộc sống bây giờ đầy đủ hơn xưa nhiều lắm nhưng thật là khó, bài toán không còn nằm trong phạm vi của cơm áo gạo tiền thường tình mà còn phải tính đến hành trình vượt vũ môn cho tương lai trong từng phân khối không khí hít thở hằng ngày, từng giọt nước cho từng cơ thể sống, trên từng vuông đất cắm dùi cho mỗi đời người. “Nước sông, công lính”, câu nói cửa miệng có từ bao đời có quá bàng quan hết thảy với món quà ngẫu nhiên mà thiên nhiên đã ưu ái ? Nhưng có lẽ mọi thứ xem ra phải được sắp xếp theo trình tự logic của vạn vật đang vận động, bởi lẽ trong cái tốc độ phát triển làm cho cơn thỏa mãn vật chất được sung đầy, có ai đoán được ẩn chứa đằng sau nó những tai họa khôn lường. Nói thật lòng, hơn mười mấy năm lưu lạc khắp nơi, đã có lúc tôi muốn dắt cậu con trai mình về quê để cháu được bơi một lần trên dòng sông quê mẹ trong một chiều nắng vàng, để cháu được mặc sức quẫy đạp, sặc sụa dòng nước ngọt trong xanh trên con sông Yên đầy ắp kỷ niệm thời ấu thơ của bố, được thấy đồi Ái Nghĩa in hình trên bóng nước, để được in dấu đôi chân trần trên bãi cát vàng lạo xạo, để được một lần nghe tiếng ca nô rẽ nước ngược dòng, xô những đợt sóng lăn tăn về phía chân cầu.

… Xin khất lại với dòng sông quê hương món nợ ân tình không biết bao giờ trả được.

Ái Nghĩa, tháng 4.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét