Tìm kiếm trong Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

ĐI KẼM

Là dân trên này gọi vậy cho chuyến thăm Hòn Kẽm Đá Dừng của du khách, kể ra cũng đúng, ngày ngày họ phải đưa hàng chục chuyến thì “gọi rứa cho phẻ”, câu nệ chữ nghĩa chi cho mỏi miệng, thường thôi. Khì khì..

Bọn mình cố có một chuyến đi về nguồn, một giả định thô như thuở ông bà từng tản cư chạy giặc về Trung Phước ngược sông bằng thuyền 60 năm trước, cũng là để tận hưởng cảm giác đong đưa sông nước trên dòng sông Mẹ. Dò la mãi chả có chủ ca nô nào chịu đi, họ bảo Xưa rồi Diễm, Hehe..đường mới làm đó, nhoáng là tới chứ chi mà khổ rứa hè. Vậy đó, tiếng là dân Quảng Nam chính hiệu mà mình lạc hậu ngay trên quê mình !

     Rồi cũng lên đường với nhiều bất ngờ …

      Là con đường bê tông vừa khánh thành cách đây vài tháng chỉ cách thánh địa Mỹ Sơn khoảng 3 cây, áp dọc chân đập Thạch Bàn hướng lên miền ngược qua đèo Phường Rạnh gai góc một thời, đường tốt cho tốc độ 60 xe bon, thấp thoáng từng đụn cát trắng phau sông Thu đang mùa kiệt nước ẩn hiện, làng Đại Bình xa xôi chợt hiện trong tầm mắt khi vừa trườn qua dốc. Bọn tôi đặt chân lên Trung Phước chỉ trong vòng 45 phút, dọc đường cục a lô đổ liên hồi sốt ruột, mi tới đâu rồi, là thằng bạn thời trung học trôi dạt về Nông Sơn từ 79, lấy vợ sinh con rồi ở luôn, nhà bên kia núi Cà Tang nức tiếng, hắn biết mình đi Đại Bình một cách tình cờ trước đó chỉ một giờ.

        Câu chuyện hàn huyên với món gà tre Nông Sơn thơm nức, ngọt lịm, về một thời gian nan với chốn sơn cùng thủy kiệt, về mỏ than Nông Sơn cách đó 3 cây số, nơi hắn đã gắn hết thanh xuân của mình cùng cô vợ xinh như mộng và 4 đứa con, hắn vẫn như xưa, ăn to nói lớn, vô tư chân thành như ngày còn đi học. Hắn lôi bọn mình vô mỏ chụp ảnh dưới cái nóng hầm hập rồi bươn xuống làng Đại Bình, nơi nỗi tiếng những vườn cây Nam bộ xanh um trĩu quả, vô đây lúc không trúng mùa quả nên chả xơ múi được gì. Thú vị là bóng những chiếc ô tô từ phố lên thăm làng như cơn mơ, Đại Bình giờ không còn heo hút nữa, một cụ trong làng bảo chắc sắp tới phải mở rộng đường ra để đón khách thôi.

      Cố tình nấn ná để có mặt ở Hòn Kẽm lúc 4-5 giờ chiều mong thưởng thức cảnh hoàng hôn trên vùng thắng cảnh danh lam này như kinh nghiệm của hắn, cả bọn vòng vo quanh làng rồi thả xe bon về nguồn. Con đường lên đó nay không còn là ca nô từ bến Cà Tang mà bằng hai con đường bê tông dọc bên sông, qua Dùi, Chiêng, Sé, là những làng trung du cũng khá nỗi tiếng, những đụn cát dài và cao nằm dọc theo sông, nhấp nhô những những nương ngô đang mùa trổ bông, những xóm làng trung du yên tĩnh, những con đò, bến sông trầm mặc, mơ màng… thấp thoáng những mái tranh hỏ nép dưới vòm cong tre trúc; những tốp trẻ tắm sông cười ngơ ngác…nhà cửa, hàng quán xen kín dọc đường. Chao ôi, miệt Tí Sẽ Dùi Chiêng không còn là nơi cùng cốc như xưa nữa rồi…

      Chiều Hòn Kẽm, cơn mưa nguồn ập tới nhanh, bến đò đưa khách lên Hòn Kẽm vắng hẳn, cả bọn định đi kiếm chổ ngủ lại để mai đón bình minh bù lại nhưng rồi mưa lại tạnh nhanh, lát sau hẽm núi trở nên huyền ảo nên quyết định đi liền, tám đứa lên thuyến chạy giữa dòng, đi cho hết hẻm núi lừng danh này, chạm bên Hiệp Đức mới quay thuyền.

      Sông thượng nguồn nhưng nước xanh biếc, chảy lặng lờ, không vội vả, cuốn xoáy, hai bên bờ đá vẫn lặng thinh như ngàn đời soi bóng nước, suối khe vẫn rả rích từng giọt cạn khô như cố góp cho sông mẹ những giọt cuối cùng. Cảm giác gì đó tuy chưa từng trãi lắm nhưng rõ mồn một.. sông đã gần như kiệt cạn, chắc cũng chỉ còn là chứng tích của thời gian.

      Bởi làng Đại Bình chắc sẽ không còn những đêm trăng yên ba giang thượng, không còn là nơi có trái mít non đổi lấy cá chuồn, Tí Sé Dùi Chiêng sẽ không còn là nơi xa thẳm như nỗi lòng ai đó, Hòn Kẽm Đá Dừng cũng chẳng còn là những than khóc cho thân phận lấy chồng xa… Xuôi ngược giờ đã quá gần.

      Bọn mình hẹn một chuyến đi khác để tận mục sở thị những đêm trăng mùa hè huyền ảo kéo dài từ thánh địa Mỹ Sơn qua những làng mạc trung du đó vào mùa dòng sông hiền lành, mềm mại như một dải lụa sáng dưới trăng quê. Nhưng mình vẫn đau đáu trong lòng vào dịp may nào đó sẽ đến lại Hòn Kẽm, không phải để ngắm cảnh, mà để đọc và hiểu được những dòng chữ Champa bí ẩn đang in trên vách đá cheo leo ở chốn địa linh này.
                                                                               01-5-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét